Ban biên tập: truyenthong.cssb@gmail.com
NỔI BẬT

Vì sao người tiêu dùng mua trái cây với 'giá không thật' ở siêu thị?

Câu chuyện ở một số nơi người tiêu dùng phải mua trái cây ở siêu thị với “giá không thật” (tăng gấp 2 - 3 lần so với giá thành) đang cho thấy những góc khuất ở một số nhà cung cấp. Điều này đòi hỏi cần có thêm các giải pháp điều tiết, khơi thông dòng chảy để đưa giá cả trái cây ổn định, hợp lý hơn.

Bà Trần Thị Bích Trân, đại diện hộ kinh doanh Trái cây Trân (Cần Thơ), cho biết một thực tế ở các siêu thị hiện nay là có khuynh hướng ngày càng gia tăng thay thế chợ truyền thống, nhưng khi người tiêu dùng đến siêu thị mua hàng thì có thể phải mua trái cây với “giá trị không thật”.

Nhân đôi, nhân ba giá thành

Dẫn chứng cho điều mình nói, bà Trân kể lại trước đây có tham gia cung ứng cho 6 hệ thống siêu thị, nhưng hiện giờ đã chọn lọc và chỉ cung ứng trực tiếp cho 3 chuỗi siêu thị. Đó là vì phát hiện ra cách làm chưa đúng và người mua phải trả một mức giá quá cao.

HINH-4048-1638958296.jpg

Có những loại trái cây khi đưa vào siêu thị đã tăng giá gấp đôi, gấp ba lần giá thành.

Cụ thể, một số siêu thị có nhiều nhà cung cấp, vào cuối tuần họ đưa ra các mã hàng và cho đấu giá với nhau. Ai đấu giá tốt hơn thì người đó làm.

Đơn cử như một số công ty chỉ vỏn vẹn 3 người nhưng đã trở thành nhà cung cấp cho siêu thị. Theo đó, một ông giám đốc công ty cùng một cô kế toán và một người chuyên đi “săn hàng”.

Sau khi trúng đấu giá và có được đơn hàng thì những người ở công ty này đi mua hàng trôi nổi ở các nơi rồi dán tem lên theo đúng quy cách của siêu thị.

Trên thực tế, các công ty như vậy không hề có những chứng nhận thật sự về VietGap hay các chứng nhận khác. Tuy nhiên, những doanh nghiệp (DN) này đã khai báo tư cách nhà cung cấp ban đầu cho dù phía siêu thị đưa ra yêu cầu rất đúng.

Với cách làm chưa đúng nêu trên vô tình làm cho sản phẩm trái cây trong hệ thống siêu thị đang nhân đôi nhân ba giá thành. Và người tiêu dùng khi bước vào hệ thống bán lẻ hiện đại này đã mua trái cây với giá không thật là như vậy.

Trong khi đó, với một số DN, cơ sở thu mua có liên kết trực tiếp với từng nhà vườn lại đang gánh thiệt thòi khi không đủ nguồn lực để làm các chứng nhận cho các loại trái cây đảm bảo sạch đúng nghĩa.

Như với trái cam, cơ sở thu mua của bà Trân hiện đang tiêu thụ cho 50 - 70 nhà vườn, nên việc làm các chứng nhận cho những nhà vườn là quá sức với cơ sở này.

Và nếu giá thành đội lên thì việc tiêu thụ trái cây trở nên khó khăn hơn. Vì vậy, theo bà Trân, phía cơ sở phải tự biết cách để làm sao để cùng nhà vườn điều chỉnh cách chăm sóc cây ăn trái và vừa cung ứng cho các chuỗi siêu thị có cùng quan điểm kinh doanh với lợi nhuận không quá xa thực tế.

Cần thêm giải pháp điều tiết để giá hợp lý hơn

Qua trao đổi với VnBusiness, nhiều DN, cơ sở thu mua trái cây cho biết với sản phẩm trái cây, các siêu thị có thể lãi 20 - 30%, nhưng không thể nâng mức lãi gấp đôi hay gấp ba lần so với giá trị thật. Rồi đến cuối ngày lại phải đem đi đổ bỏ vì giá không thực tế và không có nhiều người tiêu dùng ủng hộ.

Còn ở góc độ chuyên về cung cấp rau quả sạch của một hợp tác xã (HTX), Phó giám đốc một HTX ở huyện Xuân Lộc (Đồng Nai), cho biết cách đây 3 năm toàn bộ diện tích trái cây của HTX đạt chứng nhận VietGAP nhưng phía HTX chưa bán được cho siêu thị vì thủ tục quá rườm rà.

Ngoài ra, người tiêu dùng chưa mặn mà với mức giá trái cây trong siêu thị luôn cao hơn so với chợ truyền thống. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến việc đưa trái cây ở các địa phương vào siêu thị thêm khó khăn.

Bên cạnh đó, việc tiếp cận của các HTX, hộ sản xuất có sản phẩm trái cây chất lượng với các siêu thị, cửa hàng tiện ích còn hạn chế.

Trên thực tế, nút thắt lâu nay cho việc nhập trái cây vào hệ thống siêu thị vẫn là đòi hỏi nhiều thủ tục, hồ sơ pháp lý rườm rà, mất nhiều thời gian. Không những vậy, giá thành bị chi phối bởi nhiều loại phí, thuế, như: Phí mặt bằng, thuế giá trị gia tăng, hỗ trợ quảng cáo, bán hàng, giá kệ, đóng phí mã hàng…

Ngoài chuyện “giá không thật”, cần nhìn nhận nhiều DN, cơ sở sản xuất nông sản, HTX nông sản chưa đáp ứng được các yêu cầu về mặt giấy tờ từ phía siêu thị như: Đăng ký kinh doanh, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy kiểm định, hồ sơ công bố chất lượng các quy chuẩn và ít chú trọng đến đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, mẫu mã sản phẩm…

Trong câu chuyện “giá không thật” của trái cây ở siêu thị, giới chuyên gia nhấn mạnh cần có thêm các giải pháp điều tiết, khơi thông dòng chảy để đưa giá cả trái cây ổn định, hợp lý hơn.

Vấn đề là cần tránh những DN trục lợi, như trường hợp “công ty 3 người” mà bà Trân đã nêu ở trên. Ngoài ra, các siêu thị cũng nên nghĩ đến lợi ích của người tiêu dùng để khắc chế các công ty chuyên đi “săn” đấu giá ở các siêu thị rồi mặc sức thao túng.

Còn nói một cách khách quan, để đánh giá mức độ khó dễ của việc đưa trái cây của DN hay cơ sở thu mua vào siêu thị thì vấn đề cốt yếu vẫn phụ thuộc vào mức độ quyết tâm và định hướng của những đơn vị này.

Nhưng cần nhìn nhận rằng, phân khúc khách hàng siêu thị có đôi chút cao cấp hơn các kênh phân phối truyền thống khác. Cho nên điều kiện tiên quyết là các DN, cơ sở thu mua trái cây buộc phải đảm bảo các tiêu chí quan trọng mà phía siêu thị đưa ra thay vì chăm chăm đổ lỗi cho các đơn vị trúng đấu giá ở các siêu thị.