Ban biên tập: truyenthong.cssb@gmail.com
NỔI BẬT

Xuất khẩu nông sản tiếp tục là điểm sáng

Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của nước ta đạt hơn 242 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa 4 tháng ước tính xuất siêu 2,53 tỷ USD. Xuất khẩu (XK) nông sản tiếp tục là điểm sáng với kim ngạch xuất siêu đạt gần 4 tỉ USD.

Ảnh minh họa: Ngành nông, lâm, thủy sản xuất siêu gần 4 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm 2022. Ảnh: Bích Nguyên

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, từ tháng 1 đến hết tháng 4-2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản của nước ta ước đạt khoảng 31,8 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, XK đạt khoảng 17,9 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu ước đạt khoảng 13,9 tỷ USD. Như vậy, Việt Nam xuất siêu gần 4 tỷ USD mặt hàng nông, lâm, thủy sản, gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm trước. Có 5 sản phẩm/nhóm sản phẩm có giá trị XK đạt trên 1 tỷ USD, bao gồm: cà phê, gạo, nhóm rau quả, tôm, sản phẩm gỗ.

Một số mặt hàng đạt giá trị XK cao hơn so với cùng kỳ, như: cà phê đạt gần 1,7 tỷ USD (tăng 59,4%); hồ tiêu khoảng 367 triệu USD (tăng 29,6%); cá tra đạt 894 triệu USD (tăng 89,6%), tôm đạt trên 1,3 tỷ USD (tăng 38,6%).

Mỹ tiếp tục là thị trường XK nông sản lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 4,9 tỷ USD (chiếm 27,3% thị phần). Đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc trên 3,2 tỷ USD (chiếm 18,1% thị phần). Tiếp theo là thị trường Nhật Bản với giá trị XK đạt gần 1,3 tỷ USD. Thứ 4 là thị trường Hàn Quốc với giá trị XK đạt khoảng 822 triệu USD (chiếm 4,6%).

Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu gần 13,9 tỷ USD các mặt hàng nông, lâm, thủy sản từ nước ngoài, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Nếu như trong quý I, Campuchia chiếm vị trí thứ 2 trong số các thị trường XK vào Việt Nam thì sang tháng 4 đã vươn lên, trở thành thị trường XK nông sản sang Việt Nam nhiều nhất đạt 1,6 tỷ USD, chiếm 11,4% thị phần; tiếp theo là Hoa Kỳ và Braxin đều đạt khoảng 1,1 triệu USD, chiếm 8,1%.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong tháng 5 sẽ tiếp tục theo dõi, nắm bắt và tổng hợp thông tin, số liệu về giá cả, tình hình sản xuất, nguồn cung các mặt hàng nông sản tại các địa phương và tăng cường hỗ trợ kết nối, thúc đẩy chế biến, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu (đặc biệt tại các cửa khẩu).

Triển khai cập nhật hệ thống phần mềm dữ liệu cung cầu nông sản từ địa phương. Tổ chức khóa đào tạo tập huấn về “Chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc trong sản xuất, chế biến nông sản” - bước đầu của Quy trình số hóa 3 bước cho nông sản Việt.

Tiếp tục thúc đẩy mở cửa thị trường nông sản với các nước; kịp thời cung cấp các thông tin, các quy định thị trường, kiểm soát xuất, nhập khẩu Việt Nam-Trung Quốc.

Chuẩn bị tổ chức đoàn giao thương, quảng bá chuỗi cung ứng trái cây, thủy sản tại Trung Quốc thuộc chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia. Đồng thời, đàm phán để XK chôm chôm, chanh, bưởi từ Việt Nam sang NewZealand. Xây dựng Đề án thúc đẩy XK nông lâm thủy sản đi EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản.

Thu Hằng