Ban biên tập: truyenthong.cssb@gmail.com
NỔI BẬT

Cùng xóa rào cản, định kiến giới trong khởi nghiệp

Hành trình khởi nghiệp vốn dĩ vất vả và gian nan. Vậy mà phụ nữ khởi nghiệp còn chịu thêm nhiều rào cản, định kiến, bị chi phối bởi những bất bình đẳng giới. Để khởi nghiệp, họ đã nỗ lực rất nhiều, họ xứng đáng nhận được sự ngưỡng mộ và ủng hộ.

Mới đây, tại buổi tổng kết chương trình "Future For Women" – Vì tương lai của phụ nữ mùa 2, do tổ chức phi chính phủ ForGood Vietnam tổ chức tại Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Sài Gòn, Sở Khoa học Công nghệ TPHCM, nhiều nữ Start-up đã mạnh dạn chỉ ra những rào cản, định kiến mà họ đã và đang đối mặt trong quá trình khởi nghiệp.

Những rào cản khi phái đẹp khởi nghiệp

Chị Phạm Trần Kim Chi là thành viên tham gia chương trình "Future For Women", người đang ở giai đoạn đầu khởi nghiệp trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ. Chị Chi chia sẻ: "Trong quá trình khởi nghiệp, tôi cảm nhận rõ nhiều rào cản về giới khiến việc khởi nghiệp trở nên khó khăn hơn. Đơn cử như nam giới họ có thế mạnh bàn bạc công việc trên bàn nhậu, thậm chí họ đi tới khuya. Còn phụ nữ mà đi nhậu nhiều, đi cà phê nhiều thì bị nghĩ ngay là không tốt. 

Hay đàn ông có thể thoải mái để con cái cho vợ đi giao lưu, công tác nhưng đa số phụ nữ thường phải sắp xếp, bố trí rất kỹ mới đi được, giống như nhiệm vụ đó là chỉ riêng của người phụ nữ. Những định kiến đó, tôi nghĩ rất lâu mới thay đổi được, quan trọng là bản thân tự biết cách cân bằng và học hỏi thêm, để có những ứng xử phù hợp".

Còn chị Nguyễn Thị Ngọc Thắng (hộ kinh doanh hạt dinh dưỡng muối vừng Tono, tại huyện Krông Pắk, Đắk Lắk) cũng gặp nhiều rào cản về trách nhiệm, cân bằng giữa cuộc sống gia đình và công việc.

Cùng xóa rào cản, định kiến giới trong khởi nghiệp  - Ảnh 1.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Thắng, hộ kinh doanh hạt dinh dưỡng muối vừng Tono, phấn khởi khi theo đuổi ước mơ kinh doanh.

Chị Thắng chia sẻ: "Tôi khởi nghiệp bằng việc sản xuất và bán các sản phẩm hạt dinh dưỡng đặc trưng của tỉnh Đắk Lắk. Những định kiến như nữ giới phải gánh trách nhiệm làm vợ, làm mẹ khiến tôi gặp nhiều áp lực trong quá trình khởi nghiệp. Đơn cử như việc tham gia chương trình "Future For Women", ban đầu chồng tôi phản đổi rất nhiều. Bởi vì, để tham gia chương trình tôi phải xuống TPHCM, ít nhất 1 lần/tháng để tham gia các khóa học. Vợ chồng tôi nhiều lần tranh cãi về việc khởi nghiệp nhưng tôi vẫn kiên định với ước mơ của mình. 

Chưa kể, tôi còn 2 con nhỏ, đứa nhỏ mới 3 tuổi nên hay bám mẹ. Tôi tham gia khóa học nhưng trong lòng lúc nào cũng phải lo nghĩ về con, thương con. Bản thân muốn đi TPHCM học tập thì phải sắp xếp đủ thứ, đi chi có 1 ngày nhưng khi về thì nhà cửa lộn xộn. Nếu ngược lại, chồng đi công tác thì tôi vẫn sắp xếp công việc đâu vô đấy. Thời điểm đó, tôi bắt buộc phải mạnh mẽ và quyết đoán. Tôi không cho phép ý nghĩ phụ nữ nên lui về phía sau để chồng lo. 

Nhờ sự kiên định của mình mà tôi đã thấy mình tiến bộ trong kinh doanh, các anh chị cố vấn đã chỉ ra nhiều phương pháp khá hiệu quả. Chồng tôi hiện tại đã ủng hộ và chia sẻ với tôi".

Cùng xóa rào cản, định kiến giới trong khởi nghiệp  - Ảnh 2.

Các nữ Start-up tham gia chia sẻ tại chương trình.

Bà Trần Thị Ngọc Trân, Đồng sáng lập tổ chức ForGood Vietnam cho biết: "Trong kinh doanh, một trong những rào cản của phụ nữ đó chính là sự đơn độc trong hành trình đi đến mục tiêu đặt ra, vì bị chi phối bởi những bất bình đẳng giới, định kiến giới vẫn còn tồn tại. Vậy nên, những người phụ nữ khi làm lãnh đạo, làm chủ doanh nghiệp hay khởi nghiệp luôn phải nỗ lực rất nhiều lần."

Hãy ủng hộ, cổ vũ phụ nữ khởi nghiệp

Khởi nghiệp là hành trình dễ đi vào bế tắc, nên thực sự không có gì tuyệt vời và thiết thực hơn khi phụ nữ khởi nghiệp nhận được sự ủng hộ, hậu thuẫn từ gia đình và cộng đồng. Vậy nên, chương trình "Future For Women" – một chương trình hoàn toàn miễn phí cho phụ nữ khởi nghiệp đã ra đời.

Chương trình là một sáng kiến của nhóm cựu sinh viên Bộ ngoại giao Hoa Kỳ được bảo trợ bởi Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ vào năm 2020-2021 và tiếp tục được bảo trợ bởi Quỹ Echidna Giving vào năm 2022-2023. ForGood Vietnam là đơn vị triển khai chương trình.

Cùng xóa rào cản, định kiến giới trong khởi nghiệp  - Ảnh 3.

Lễ trao chứng nhận cho 40 phụ nữ tham gia chương trình Future For Women 2023 tại TPHCM.

Giai đoạn 2022 -2023, chương trình thu hút hơn 150 phụ nữ đăng ký tham dự, trong đó 40 hồ sơ đạt tiêu chuẩn đầu vào đại diện cho 40 ý tưởng kinh doanh được tham gia các khoá đào tạo trong 6 tháng. Tại đây, các nữ Start-up được tăng cường kiến thức và kỹ năng lãnh đạo, kinh doanh; xây dựng bộ công cụ phát triển tình cảm, kỹ năng xã hội và khởi nghiệp; vượt qua những định kiến giới gây tác động tiêu cực đến việc kinh doanh; được cố vấn bởi các chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh cụ thể và tiếp cận các thông tin thực tiễn về những hỗ trợ dành cho phụ nữ khởi nghiệp.

Kết thúc chương trình, đã có 26 doanh nghiệp hoạt động và tiếp tục hoạt động ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ với hơn 10 ngành nghề kinh doanh khác nhau bao gồm: Dịch vụ ăn uống, du lịch, đào tạo, giải pháp công nghệ, dịch vụ lưu trú, sân chơi cho trẻ, thức ăn cho thú cưng... Các doanh nghiệp trải dài trên nhiều tỉnh như: Quảng Ninh, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đà Nẵng, TPHCM, Vũng Tàu, Vĩnh Long, Cần Thơ.

Ông Huỳnh Lê Khánh, Đồng sáng lập tổ chức ForGood Vietnam nhận định: "Tôi lớn lên ở miền Tây Nam bộ nên thường thấy nhiều người phụ nữ chịu thiệt thòi về vị trí. Ngày trước, một số gia đình khi quyết định cho con nào nghỉ học vì hoàn cảnh khó khăn thì gia đình đó thường chọn con gái chứ không phải con trai. Họ không cần biết con gái học lực như thế nào, có năng lực ra sao. 

Ngoài ra, người phụ nữ thường phải nghe theo chồng và ít khi tham gia quyết định những việc lớn trong gia đình. Đó là điều mà tôi đã từng thấy và khá đau đáu. Đó cũng là lý do tôi mong muốn thúc đẩy và lan tỏa những chương trình như "Future For Women". Mục đích hướng đến một cộng đồng phụ nữ khởi nghiệp đa dạng, thực chất, giúp nâng cao vai trò cùng hình ảnh của phụ nữ khi tham gia kinh tế, từ đó thúc đẩy bình đẳng giới thông qua tăng cường sức mạnh kinh tế của nữ giới tại Việt Nam".