Ban biên tập: truyenthong.cssb@gmail.com
NỔI BẬT

Để nông sản Việt chinh phục thị trường

Năm 2023, ngành nông nghiệp được Thủ tướng Chính phủ giao kim ngạch xuất khẩu đạt ít nhất 55 tỷ USD. Trong bối cảnh thị trường khó khăn, đòi hỏi ngành nông nghiệp cần chủ động nắm bắt biến động thị trường, linh hoạt ứng phó để đạt được mục tiêu lớn đề ra.

Ảnh minh họa.

Ngay từ đầu năm, các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đang đối mặt với tình hình lạm phát tiếp tục tăng cao ở nhiều nước trên thế giới và nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất. Giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu phục vụ sản xuất tiếp tục tăng, chi phí logistic tăng đang tác động tiêu cực đến giá nông sản xuất khẩu cũng như hoạt động xuất khẩu.

Theo chuyên gia kinh tế, đáng lo ngại là xuất hiện nhiều rào cản thương mại mới như: EU điều chỉnh các biện pháp kiểm dịch, kiểm soát an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu vào ngày 26/1/2023; các thị trường thuộc hiệp định CPTPP, UKVFTA điều chỉnh quy định về hàng hóa nhập khẩu; Mỹ gia tăng số vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp với một số nông sản Việt Nam (cá tra, tôm, mật ong)…

Bên cạnh đó, thị hiếu các thị trường xuất khẩu của Việt Nam ngày càng đa dạng, thiên về sản phẩm thân thiện môi trường, có lợi cho sức khỏe, đảm bảo an toàn thực phẩm. Trong khi nông sản xuất khẩu của nước ta chủ yếu là sản phẩm thô, sản phẩm chế biến làm nguyên liệu đầu vào, chất lượng chưa cao. Các doanh nghiệp còn lúng túng khi các quốc gia thay đổi, các chính sách, quy định mới siết chặt hơn trong nhập khẩu.

Mặt khác, nông sản Việt thiếu những thương hiệu mạnh, chủ yếu tham gia vào các phân khúc thị trường có giá trị gia tăng thấp; chi phí logistics còn cao so với các đối thủ cạnh tranh. Năng lực tiếp cận, tìm hiểu thị trường chưa cao; chưa tham gia sâu vào hệ thống phân phối hiện đại và chưa xây dựng được kênh phân phối ổn định tại các thị trường lớn.

Dù vậy, Bộ NN&PTNT tin tưởng, bằng sự chủ động, linh hoạt vượt khó và kinh nghiệm cạnh tranh trên các thị trường trong nhiều năm qua, xuất khẩu nông sản sẽ tiếp tục lập kỳ tích mới trong năm 2023.

Cụ thể, tại Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm nông sản như gỗ và sản phẩm từ gỗ, thủy sản, hạt điều, cà phê, rau quả... dự báo sẽ tăng cao trong thời gian tới. Đặc biệt nhu cầu nhập khẩu của Mỹ đối với các sản phẩm gỗ, hạt tiêu dự báo tăng trưởng bình quân từ 1-2% trong 5 năm tới; cà phê sẽ tăng trưởng 4,8% trong giai đoạn 2020-2025.

Đối với thị trường Trung Quốc nhiều tiềm năng với nhu cầu tiêu dùng lớn và đa dạng, dự báo thương mại nông sản sẽ tiếp tục sôi động. Trong đó, tiêu thụ thịt, trứng, sữa, trái cây và rau quả dự báo sẽ tăng cao trong năm 2023 khi các biện pháp nới lỏng Covid-19 được thực hiện.

Để tăng giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản trong năm nay, Bộ NN&PTNT đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể. Trong đó, toàn ngành sẽ tập trung tổ chức xúc tiến thương mại, quảng bá cho những sản phẩm chủ lực như: trái cây, rau quả, thủy sản, thịt, sản phẩm sữa và trứng tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand; sản phẩm gỗ, hạt tiêu, cà phê, trái cây tại Mỹ; thủy sản, rau quả, sản phẩm gỗ tại EU; gạo, chè, cà phê tại Arab Saudi, ASEAN...

Các chuyên gia khuyến nghị, ngành nông nghiệp cần nâng cao chất lượng công tác dự báo, định hướng phát triển thị trường nông sản; sớm tháo gỡ các rào cản kỹ thuật để thúc đẩy xuất khẩu.

Bên cạnh đó, đẩy nhanh việc triển khai xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung phục vụ cho xuất khẩu; thay đổi tư duy sản xuất từ số lượng sang tập trung vào chất lượng và xây dựng thương hiệu hàng hóa; ưu tiên phát triển các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc sản của địa phương gắn với công nhận chỉ dẫn địa lý, chứng nhận sản phẩm hữu cơ, thực hành nông nghiệp tốt trong sản xuất; ứng dụng công nghệ cao trong bảo quản, chế biến sâu… Qua đó, nông sản Việt không chỉ đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, mà còn từng bước chinh phục các thị trường.

Thanh Thảo