Ban biên tập: truyenthong.cssb@gmail.com
NỔI BẬT

Doanh nghiệp gia đình khó tìm người kế nghiệp

Nhiều doanh nghiệp gia đình đang đứng trước nguy cơ thiếu người kế nghiệp hoặc mô hình kinh doanh không phù hợp với thời đại mới.

Khởi nghiệp đã khó, giữ gìn di sản còn khó hơn

Ông Kao Siêu Lực, Giám đốc điều hành ABC Bakery cho biết, khởi nghiệp đã khó, nhưng giữ gìn di sản còn khó hơn. Theo ông, một doanh nghiệp gia đình không thể đạt được thành công thực sự nếu không tìm được người kế nhiệm phù hợp.

“Trên thực tế, việc thuyết phục thế hệ con cái, nhất là ai từng có cơ hội học tập và làm việc ở nước ngoài quay về Việt Nam tiếp quản công việc kinh doanh của gia đình là một thử thách. Tôi không dùng quyền hành của cha mẹ để bắt các con quay lại Việt Nam, mà tôi đối xử với các con như đồng nghiệp. Tôi vạch ra phương hướng cho tương lai, chỉ ra những tiềm năng, thách thức và cũng đưa ra mức lương xứng đáng cho con mình, để chúng có thể tự quyết định đâu là hướng đi phù hợp”, ông Lực nói.

Theo chị Kao Huy Phương, Phó giám đốc điều hành ABC Bakery, con gái ông Kao Siêu Lực, với thế hệ trẻ thường có tư tưởng cầu tiến, việc mở rộng doanh nghiệp gia đình ra thị trường quốc tế trở nên cấp thiết. Áp lực của việc mở rộng phạm vi kinh doanh của doanh nghiệp gia đình là một bài toán khó.

“Để thâm nhập thành công các thị trường quốc tế, đặc biệt là Nhật Bản, tôi đã dành nhiều thời gian để học tiếng và tìm hiểu văn hóa Nhật Bản, cũng như làm quen với quy định chặt chẽ của thị trường này”, chị Phương chia sẻ.

Các doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam thường phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các tập đoàn đa quốc gia trong việc thu hút và giữ chân nhân tài. Điều quan trọng là cần thiết kế các chính sách lương, thưởng cạnh tranh, đưa ra kế hoạch phát triển nghề nghiệp hợp lý và thiết lập văn hóa làm việc tích cực, nhằm thúc đẩy sự gắn kết và lòng trung thành của nhân viên.

Nhớ lại sự cố khi ABC Bakery xuất khẩu một lô bánh ngọt sang Nhật Bản, bên phía đối tác đã phát hiện ra một con kiến ở ngoài bao bì. Để xác định nguồn gốc của nó, phía đối tác thậm chí đã tiến hành xét nghiệm gen DNA của con kiến. Chứng kiến sự tỉ mỉ và kỹ lưỡng của phía đối tác Nhật Bản, cũng như sự khắt khe của một thị trường tiềm năng nhưng khó tính, chị Phương nhận ra rằng, áp lực đặt lên vai thế hệ sau cũng không kém phần nặng nề so với thế hệ sáng lập. Song, chị tin tưởng, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, thế hệ sau có thể nâng tầm thương hiệu doanh nghiệp gia đình trên thị trường quốc tế.

Làm thế nào để hòa hợp?

Trong cuộc khảo sát “Chuyển đổi để xây dựng niềm tin” do PwC Việt Nam thực hiện với sự tham gia của 36 chủ doanh nghiệp gia đình trong nước cho thấy, gần 2/3 chủ doanh nghiệp gia đình thường xuyên xảy ra xung đột, nhưng họ lại không coi việc xây dựng lòng tin giữa các thế hệ hiện tại và tương lai là ưu tiên hàng đầu. Chỉ 28% số người được hỏi coi đây là một yếu tố quan trọng. Ngoài ra, 42% người tham gia cho biết, họ thiếu niềm tin giữa thế hệ hiện tại và thế hệ tiếp theo trong gia đình.

Ông Trần Văn Thắng, Giám đốc Dịch vụ  kiểm toán PWC Việt Nam lưu ý, khi thiếu niềm tin giữa các thành viên trong gia đình, mâu thuẫn dễ nảy sinh, dẫn đến sự thiếu gắn kết và tiềm ẩn thất bại trong kinh doanh.

Điều này có thể giúp giải thích lý do tại sao 64% số người tham gia khảo sát cho biết, thường xuyên xảy ra xung đột gia đình trong doanh nghiệp của họ, cao hơn đáng kể so với mức trung bình toàn cầu là 30% và mức trung bình của châu Á - Thái Bình Dương là 29%.

Bà Vưu Lệ Quyên, Giám đốc Biti's nhấn mạnh, để đảm bảo công việc kinh doanh của gia đình vận hành trơn tru, việc tạo một môi trường mà mọi thành viên đều có thể nói lên ý kiến của mình và được lắng nghe là điều vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, bà thừa nhận, vun đắp lòng tin giữa các thành viên trong gia đình chưa được quan tâm đúng mức.

Ông Ng Siew Quan, Lãnh đạo bộ phận doanh nhân và doanh nghiệp tư nhân châu Á - Thái Bình Dương (PwC Singapore) chia sẻ, ở thời điểm hiện tại, có thể là lần đầu tiên thế hệ sáng lập chuyển giao quyền lực cho thế hệ tiếp theo trong các doanh nghiệp gia đình Việt Nam.

Nhận thức được việc chuyển giao, khi chưa có kinh nghiệm hoặc thông lệ đi trước, sẽ gây ra nhiều lúng túng với thế hệ doanh nhân F1. Do vậy, ông Siew Quan tin rằng, việc học hỏi kinh nghiệm của các doanh nghiệp gia đình tại những quốc gia khác có thể giúp thế hệ F1 tại Việt Nam có sự chuẩn bị tốt hơn.

“Ở Singapore, cha mẹ sẽ khuyến khích con cái làm việc trong các lĩnh vực khác nhau của doanh nghiệp gia đình để có thể am hiểu tường tận về hoạt động, ngành nghề, cũng như hiểu về khách hàng và nhân viên. Quá trình này có thể mất vài năm trước khi F2 trở thành lãnh đạo cấp cao. Một điểm nhỏ nữa nhưng cũng quan trọng không kém, đó là thế hệ F1 cũng cần chú ý tới đời sống cá nhân, ví dụ như chơi thể thao, hoặc có những sở thích ngoài công việc. Nếu thế hệ F1 không có sở thích nào khác ngoài công việc kinh doanh, họ có thể sẽ không muốn rời bỏ công việc và trao quyền cho con cái”, ông Siew Quan nói.

TS. Peter Bartels, lãnh đạo khối doanh nhân toàn cầu và doanh nghiệp tư nhân tại PwC Đức cũng chia sẻ, chỉ khoảng 20% trong số các doanh nghiệp gia đình trên toàn cầu có thể thực hiện kế hoạch chuyển giao một cách suôn sẻ. Thông thường, lý do khiến họ thất bại là do mâu thuẫn trong gia đình, mẫu thuẫn trong việc phân bổ công việc kinh doanh và tranh chấp của cải.

Cũng giống như các loại hình doanh nghiệp khác, doanh nghiệp gia đình gặp phải nhiều thách thức như số hóa, chuẩn bị lực lượng lao động cho tương lai, tối ưu hóa chuỗi cung ứng và giải quyết các mối quan tâm về ESG…