Ban biên tập: truyenthong.cssb@gmail.com
NỔI BẬT

Doanh nghiệp tìm cách thoát thế khó về nhân sự

Cân bằng nghịch lý giữa hiệu suất và an sinh, nâng tầm năng lực và chăm sóc sức khoẻ cho nhân viên để sẵn sàng cho bước nhảy vọt trong tương lai, chú trọng yếu tố niềm tin... là những giải pháp được nhiều doanh nghiệp áp dụng để vượt những cú sốc trước làn sóng sa thải ồ ạt hiện nay.

Doanh nghiệp đang đối mặt với nhiều thách thức phức tạp, từ việc kinh doanh giảm sút dẫn đến áp lực cắt giảm nhân sự. Đồng thời, họ cũng gặp phải các vấn đề liên quan đến mất gắn kết, giảm hiệu suất và tình trạng kiệt quệ vì burn out (hội chứng kiệt quệ về thể chất và/hoặc tinh thần do stress quá nhiều hoặc quá thường xuyên).

Tuy nhiên, trong mỗi thách thức cũng ẩn chứa cơ hội, những khó khăn đối với doanh nghiệp này có thể chính là động lực giúp doanh nghiệp khác mạnh mẽ hơn. Trong sáu tháng đầu năm 2023, dù nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự, thị trường nhân lực Việt Nam vẫn rất sôi động và còn nhiều cơ hội.

Cụ thể, theo khảo sát xu hướng nhân sự Việt Nam nửa đầu năm 2023 của Anphabe với hơn 6.000 đáp viên cho thấy, với mỗi 10 người bị cắt giảm, đã có 7 người tìm được công việc mới. Trong số 7 người này, chỉ có 1 người chấp nhận lương thấp hơn, 3 người giữ nguyên mức lương và 3 người thậm chí tìm được việc với mức lương mới cao hơn. Các công việc mới chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực bán hàng, marketing, tài chính, nghiên cứu và phát triển, với mức tăng lương trung bình là 8,7%. Điều này cho thấy rằng việc bị sa thải đôi khi cũng là cơ hội để nhiều người có bước tiến tốt hơn trong sự nghiệp.

Mặt khác, dù có cắt giảm, nhân sự trong nhiều ngành vẫn có thể nhanh chóng tìm lại việc làm tại các công ty khác cùng ngành. Những ngành có tính chuyên môn cao như kỹ thuật/máy móc/cơ khí công nghiệp, ngân hàng, vận tải/hậu cần, dược/thiết bị y tế/chăm sóc sức khỏe và xây dựng/kiến trúc đang là lĩnh vực phổ biến cho người lao động.

Đối với nhóm chưa tìm được việc, 2/3 trong số họ đang mở rộng tìm kiếm cơ hội trong các lĩnh vực khác. Do đó, cắt giảm nhân sự trong ngành này cũng đồng nghĩa với việc cung cấp nguồn nhân lực bổ sung cho các ngành khác, trong đó 5 ngành đang có xu hướng gia tăng nhân sự là bảo hiểm; ngân hàng; giáo dục/đào tạo/tư vấn; công nghệ thông tin/phần mềm/thương mại điện tử và dược/thiết bị y tế/chăm sóc sức khỏe.

Năm nguyên tắc hành động nghịch lý

Đối diện với một thị trường đầy khó khăn và phức tạp, nhóm các doanh nghiệp được lựa chọn là điển hình đại diện cho VIETNAM EXCELLENCE® 2023 đã sáng tạo và linh hoạt trong việc ứng biến và áp dụng "tư duy nghịch lý" trong quyết định và hành động của mình. Nhờ đó, họ đã đưa ra những giải pháp và cách tiếp cận độc đáo để giải quyết hiệu quả các thách thức đặt ra.

Chăm sóc sức khoẻ tinh thần cho nhân viên

Thứ nhất là cân bằng nghịch lý giữa hiệu suất và an sinh. Nâng cao hiệu suất và đảm bảo an sinh cho nhân viên thường được coi là hai mục tiêu đối lập. Tuy nhiên, Suntory PepsiCo Vietnam Beverage và BAT Việt Nam đã chứng minh rằng việc tối ưu hiệu suất không nhất thiết phải gây áp lực cho nhân viên.

Nhờ áp dụng các dự án tinh gọn quy trình và số hóa, Suntory PepsiCo Vietnam Beverage và đã tiết kiệm hơn 4.000 giờ làm việc mỗi năm, đồng thời đạt mức tăng trưởng doanh số gấp đôi.

Tương tự, BAT Việt Nam đã sử dụng công nghệ để phân tích và cải thiện thói quen làm việc không hiệu quả, để giúp nhân viên quản lý thời gian tốt hơn. Những thay đổi như "No meeting day" (Ngày không có cuộc họp) hàng tháng, hệ thống nhắc nhở khung giờ vàng làm việc và các cuộc họp 1:1 định kỳ với quản lý cũng đã giảm tới 63% thời gian lãng phí khi đi họp.

Thứ hai là nâng tầm năng lực nhân viên, sẵn sàng cho “bước đi xa hơn” trong tương lai. Tại LG Display Việt Nam, việc đào tạo nhân viên với số lượng lớn đã là một thách thức. Tuy nhiên, nhờ tập trung đào tạo 4 lĩnh vực chính và áp dụng đào tạo thực nghiệm, thời gian đào tạo đã được rút ngắn đáng kể từ 1 năm xuống 6 tháng.

Đồng thời, việc tăng cường tiếng Anh và tiếng Hàn cho công nhân cũng giúp tăng cường hiệu quả đào tạo ở côgn ty này. Kết quả là dù chỉ với mức đầu tư khiêm tốn, số lượng kĩ sư đạt chuẩn đã tăng gấp 3,3 lần chỉ sau 1 năm.

Chuyển đổi kĩ năng tư duy là một chiến thuật dài hơi để nâng tầm nhân sự về chiều sâu. Schneider Electric Việt Nam đã rất chiến lược khi đặt mục tiêu phải chuyển đổi tư duy bền vững cho ít nhất 90% nhân viên trước 2025 và tổ chức bài bản chuỗi hoạt động nâng tầm nhận thức, giúp nhân viên tìm kiếm các cơ hội kinh doanh khi theo đuổi hành trình bền vững.

Thứ ba là vẽ nên tầm nhìn tương lai truyền cảm hứng. Mong muốn mang những điều tốt đẹp nhất của Việt Nam đến thế giới của nhà sáng lập Highlands Coffee David Thái đã thu hút nhiều lãnh đạo tham gia và cống hiến cho Highlands Coffee. Dù đối diện với nhiều thách thức, khao khát này vẫn luôn là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Highlands Coffee, từ việc trang trí cửa hàng bằng những thắng cảnh Việt Nam, đến việc khám phá và phát triển những công thức cà phê Việt Nam nguyên bản nhất…

Giai đoạn thách thức gần đây cũng là lúc họ phát triển mạnh mẽ nhất, mở thêm hơn 600 cửa hàng trong nước và 50 cửa hàng tại Philippines, gửi niềm tự hào Việt Nam vươn ra thế giới.

Thứ tư là chăm sóc nhân viên. Ngày nay, người lãnh đạo không chỉ cần tầm nhìn và chiến lược, mà còn phải đặt ưu tiên chăm sóc nhân viên lên hàng đầu.

Theo Anphabe - đơn vị tổ chức VIETNAM EXCELLENCE® 2023, doanh nghiệp không nên xem chăm sóc nhân viên là việc tốn kém vì có những hoạt động rất đơn giản. Chẳng hạn, thay vì ban hành những văn bản hành chính khô khan để truyền thông các thông tin quan trọng, vị chủ tịch Acecook Việt Nam thường xuyên sử dụng hình thức "love letter" (tâm tình cuối năm, thư tình đầu năm) để gửi những thông điệp chân thành tới nhân viên.

Các lãnh đạo VinaCapital trong cơn khủng hoảng tài chính vừa qua cũng vẫn là những tấm gương chia sẻ sở thích và sống đúng với văn hóa làm hết sức – chơi hết mình. Vượt trên tiền bạc và các quyền lợi, thời gian mà các lãnh đạo dành cho nhân viên chính là thước đo quan trọng thể hiện tấm lòng quan tâm chân thành của các lãnh đạo với nhân viên.

Thứ năm là biến niềm tin thành lợi thế cạnh tranh. Trong giai đoạn hiện nay, niềm tin chính là sức mạnh. Áp dụng mô hình cây niềm tin của Stephen Covey, Saint-Gobain Việt Nam đã thực hiện chuỗi workshop "sức mạnh niềm tin" nhằm tăng cường nhận thức về tầm quan trọng của niềm tin.

Tiếp theo, họ triển khai chuỗi đào tạo và hoạt động thực hành, bao gồm: lắng nghe chủ động, trung tín - trách nhiệm và liên tục cải tiến để xây dựng khả năng gia tăng niềm tin lẫn nhau. Nhờ vào những nỗ lực này, điểm số nhân viên về văn hóa niềm tin đã tăng đáng kể và đóng góp quan trọng vào thành tích kinh doanh xuất sắc của doanh nghiệp trong năm qua.