Ban biên tập: truyenthong.cssb@gmail.com
NỔI BẬT

Đón dòng vốn đầu tư tạo tác động

Các nhà đầu tư tạo tác động vẫn còn khá nhiều nguồn vốn sẵn có để phân bổ cho các startup thực sự chất lượng mà họ đang tìm kiếm trên thị trường.

Năm 2022, thống kê từ DealStreetAsia cho thấy, lượng vốn đầu tư cho các giải pháp công nghệ chống biến đổi khí hậu tại Đông Nam Á lần đầu tiên vượt mốc 1 tỷ USD, thể hiện sức quan tâm ngày càng mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế cho lĩnh vực này.

Tuy nhiên, lượng vốn này vẫn còn rất nhỏ khi so sánh với nguồn đầu tư cho các loại hình công nghệ khác. Các giải pháp công nghệ chống biến đổi khí hậu từ Việt Nam cũng chỉ thu hút 5,3% tổng lượng vốn cho lĩnh vực này tại khu vực.

Bà Trương Lý Hoàng Phi, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp (IBP) cho biết, hiện có rất ít nguồn lực tham gia vào lĩnh vực công nghệ chống biến đổi khí hậu để hỗ trợ cho những công ty theo đuổi một nền kinh tế trong tương lai, không chỉ bằng đổi mới sáng tạo mà còn là đổi mới sáng tạo một cách bền vững.

Theo đó, cần nhiều nỗ lực hơn nữa nhằm xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo “xanh” và “bền vững” tại Việt Nam, trong đó đặc biệt thúc đẩy sự tham gia tích cực hơn của không chỉ những nhà nghiên cứu, nhà sáng lập, mà còn cả các doanh nghiệp lớn và quỹ đầu tư.

Là một nhà đầu tư tham gia trong chương trình Green Innovation Fellowship do Hội doanh nhân trẻ TP.HCM (YBA), IBP và Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC) đồng tổ chức, bà Nguyễn Khánh Vân, Giám đốc đầu tư vốn cổ phần tư nhân của CTCP Chứng khoán Thiên Việt (TVS) cho biết, công ty không cho rằng yếu tố công nghệ là điều kiện tiên quyết cho thành công của startup mà phải là tính ứng dụng của những công nghệ đó trong một thị trường tiềm năng đủ lớn.

Green Innovation Fellowship là giải thưởng, cuộc thi dành riêng cho những công ty có công nghệ giúp người dùng có ý thức trong việc tăng trưởng mà không “vay mượn” của tương lai. Các doanh nghiệp hướng tới yếu tố xanh, nắm bắt cơ hội tăng trưởng mới dựa trên đổi mới sáng tạo xanh và phát triển bền vững sẽ cần được hỗ trợ mạnh mẽ hơn thông qua tiếp cận các nguồn tài chính xanh, kết nối thị trường và những nguồn lực khác từ quốc tế.

Chương trình chọn ra 10 dự án tiềm năng nhất để trình bày và giới thiệu giải pháp của mình tại sự kiện. Dự kiến 5 nhóm xuất sắc sẽ được lựa chọn tham dự chuyến đi đổi mới sáng tạo xanh tại Singapore.

Ngoài các yêu cầu về đội nhóm và giai đoạn phát triển, bà Vân kỳ vọng các startup có thể chứng minh được sự phù hợp của giải pháp tại Việt Nam.

“Các giải pháp đã được chứng minh tại các thị trường đang phát triển khác tại Đông Nam Á là một trong những chỉ báo tốt. Liệu rằng các bạn có thể suy nghĩ và tạo ra những thay đổi phù hợp khi mang những mô hình đó về Việt Nam với đặc thù riêng về con người và văn hóa hay không? Liệu rằng cơ sở pháp lý và nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam có tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển giải pháp này về lâu dài? Đó là những câu hỏi tôi đặt ra trước khi quyết định đầu tư”, bà Vân nói.

TVS cho biết, công ty có thể đầu tư vốn mạo hiểm từ 1-5 triệu USD cho startup ở giai đoạn Series A, cũng như có nguồn vốn để cung cấp các khoản vay ngắn hạn theo nhu cầu doanh nghiệp.

Có quan điểm tương tự, bà Angela Tay, nhà đầu tư tại AgFunder chia sẻ, AgFunder tập trung vào những giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu mang tính quốc tế nhưng phù hợp với thị trường nội địa, đặc biệt là những giải pháp giúp đổi mới chuỗi cung ứng sản xuất nông nghiệp tại các nước có thế mạnh về lĩnh vực này như Việt Nam.

“Tôi rất vui khi biết rằng thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài đang quay trở lại đóng góp cho sự phát triển quốc gia hướng tới mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao trong thập kỷ tiếp theo. Các bạn có thể mang những giải pháp hiệu quả ở các quốc gia khác về và cố gắng bản địa hóa nó theo nhu cầu địa phương”, bà Tay nói.

Các nhà đầu tư cho rằng, đầu tư lĩnh vực tạo tác động đòi hỏi nhiều công sức cũng như sự kỹ càng hơn trong việc đo lường và thể hiện sự tác động của giải pháp tới xã hội. Do đó, việc thuyết phục các nhà đầu tư xuống tiền cũng gặp nhiều trở ngại hơn so với các giải pháp công nghệ trong những lĩnh vực tăng trưởng nhanh khác.

Bà Tay khuyên startup có giải pháp trong các mảng về chống biến đổi khí hậu và phát triển bền vững cần có kế hoạch gọi vốn trong thời gian dài hơn các startup ở các lĩnh vực khác. Các nhà sáng lập cũng nên mở rộng tiếp cận các nhà đầu tư không chỉ tại châu Á mà còn ở châu Âu, châu Mỹ vì đa số các nhà đầu tư trong lĩnh vực này đang xuất hiện nhiều hơn ở phía bên kia bán cầu.

“Trong khi đầu tư mạo hiểm và đầu tư tư nhân trong những năm qua sụt giảm nặng nề lên đến 40-50%, đầu tư trong mảng tạo tác động chỉ giảm 7%. Điều này cho thấy đây là lĩnh vực có sức bền tốt trong giai đoạn khủng hoảng. Các nhà đầu tư tạo tác động vẫn còn khá nhiều nguồn vốn sẵn có để phân bổ cho các startup thực sự chất lượng mà họ đang tìm kiếm trên thị trường”, đại diện AgFunder nhận định.

 

Bà đỡ của những cánh én kiên cường
  •