Ban biên tập: truyenthong.cssb@gmail.com
NỔI BẬT

Long An: Doanh nghiệp chủ động thực hiện “mục tiêu kép” trong bối cảnh đại dịch

DNVN - Tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhưng nhiều doanh nghiệp tại tỉnh Long An đã không chờ rơi vào tình trạng báo động mới phòng dịch. Sự chủ động phòng chống dịch từ sớm, từ xa đã giúp các doanh nghiệp thực hiện được mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch, vừa bảo đảm phát triển kinh tế như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bảo vệ môi trường làm việc an toàn cho công nhân

Long An hiện có hơn 13.000 doanh nghiệp đang hoạt động trong các khu, cụm kinh tế với khoảng 200.000 lao động, nguy cơ dịch bùng phát ở các nơi này là rất lớn. Trong khi đó, tình hình đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp tại Việt Nam, đặc biệt là TP.HCM. Theo thông tin từ Sở Y tế tỉnh Long An, tính đến 6h ngày 4/7 trên địa bàn tỉnh có 148 ca mắc Covid-19.

Với vị trí tiếp giáp với TP.HCM, Long An là tỉnh có nhiều khu công nghiệp, cụm cộng nghiệp, người lao động tỉnh, thành phố ngoài và khu giáp ranh vào làm việc nhiều, vì vậy yếu tố và nguy cơ lây lan ra cộng đồng nếu có ca bệnh là rất lớn. Đặc biệt, tại các đơn vị sản xuất, doanh nghiệp, nguy cơ lây nhiễm cao do môi trường đông công nhân, thường xuyên tiếp xúc gần.

Không chủ quan trong bối cảnh tình dịch bệnh, hiện các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực, tập trung thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch vừa khắc phục khó khăn đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.

Công ty TNHH Cơ khí Mia Lan (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) với ngành nghề kinh doanh là sản xuất đồ điện dân dụng. Cũng như nhiều doanh nghiệp khác trên địa bàn tỉnh Long An, các hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty TNHH Cơ khí Mia Lan cũng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Tuy nhiên với tầm nhìn và chiến lược đúng đắn từ Ban lãnh đạo đã giúp Công ty TNHH Cơ khí Mia Lan có những bước đi vững chắc trong giai đoạn vừa qua. Trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp, Công ty Mia Lan đã thực hiện rất nhiều biện pháp bảo đảm an toàn sức khỏe cho tất cả cán bộ, công nhân viên.

Theo đó, tất cả cán bộ, công nhân viên trong công ty cam kết thực hiện chuẩn khuyến cáo 5K của Bộ Y tế. Hoạt động kiểm tra thân nhiệt cho cán bộ, công nhân viên làm việc tại xưởng sản xuẩt 2 lần mỗi ngày. Công ty cũng trang bị đầy đủ nước rửa tay sát khuẩn ở tất cả các bộ phận/khu vực công cộng. Ngoài ra, công ty cũng đẩy mạnh truyền thông về các biện pháp phòng chống dịch, cập nhật tình hình dịch bệnh qua Fanpage và Radio Kết nối hàng ngày cho cán bộ, công nhân viên.

Ngời lao động được đo thân nhiệt khi vào cổng của công ty.

Nhằm tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, người lao động được đo thân nhiệt khi vào cổng của công ty.

Bà Huỳnh Hải Yến - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Cơ khí Mia Lan cho biết, công ty có số lượng cán bộ công nhân viên rất đông với hơn 700 người. Do đó, công tác phòng chống dịch luôn đặt lên hàng đầu.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, công ty đã chia 2 ca làm việc/ngày, với khoảng 400 công nhân/ca. Mỗi ca làm việc, công ty chia công nhân thành 11 nhóm nhỏ theo xưởng để sắp xếp giờ ăn trưa lệch nhau nhằm bảo đảm mỗi công nhân ngồi 1 bàn có vách ngăn và bảo đảm giãn cách.

Theo bà Yến, hiện công ty đã thành lập Tổ An toàn Covid-19 tại đơn vị. Các thành viên trong tổ thường xuyên nhắc nhở, tuyên truyền và kiểm tra việc thực hiện công tác phòng, chống dịch tại công ty. Theo đó, mọi thành viên trong tổ thành lập các nhóm Zalo để thông tin nhanh về những văn bản chỉ đạo của cấp trên, ngành Y tế, địa phương về phòng, chống dịch cho các thành viên trong Tổ An toàn Covid-19. Từ đó, các thành viên tuyên truyền rộng rãi, thường xuyên đến cán bộ công nhân viên để bảo đảm thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch.

“Ban lãnh đạo công ty luôn xác định rõ bảo đảm môi trường làm việc an toàn cho toàn thể cán bộ công nhân viên là trách nhiệm và cũng là lợi ích lâu dài của công ty. Do vậy, ban lãnh đạo công ty rất quyết liệt trong công tác phòng chống dịch tại cơ sở. Nhờ đó, các hoạt động sản xuất của công ty vẫn diễn ra đều đặn, duy trì công việc và thu nhập ổn định cho người lao động”, bà Huỳnh Hải Yến cho biết.

Là một trong những doanh nghiệp có 22.000 công nhân, Công ty TNHH Giầy ChingLuh Việt Nam nằm trong khu công nghiệp Thuận Đạo, huyện Bến Lức luôn chủ động trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Theo ông Nguyễn Văn Khải - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Giầy ChingLuh Việt Nam cho biết, mỗi ngày công nhân đến công ty làm việc đều được kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế và bảo đảm đeo khẩu trang 100%. Công nhân được chia ca ăn trưa theo xưởng và bảo đảm khoảng cách an toàn, có vách ngăn 2 bên và phía trước.

“Ban lãnh đạo công ty vẫn tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở công nhân thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch, nhất là trung thực trong khai báo y tế. Ngoài Tổ An toàn Covid-19, chúng tôi còn có Ban phản ứng nhanh để kịp thời xử lý những vấn đề, tình huống phát sinh tại công ty”, ông Khải cho hay.

Vẫn còn doanh nghiệp chủ quan, lơ là

Bên cạnh sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kế hoạch sản xuất, kinh doanh cùng với các biện pháp chống dịch an toàn đã giúp doanh nghiệp tiếp tục duy trì sự phát triển, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Tại Long An vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại cơ sở.

Ông Nguyễn Thành Thanh - Trưởng Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Long An cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, đoàn kiểm tra liên ngành phòng, chống Covid-19 của địa phương đã kiểm tra đột xuất 65 doanh nghiệp và phát hiện nhiều công ty sai phạm về công tác an toàn phòng dịch Covid-19, buộc tạm dừng hoạt động nhiều dây chuyền sản xuất tại 4 doanh nghiệp.

Cụ thể, ngày 1/7, đoàn kiểm tra buộc Công ty TNHH Samduk Việt Nam tại Khu công nghiệp Hòa Bình, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa dừng hoạt động sản xuất. Ðây là doanh nghiệp có khoảng 2.700 lao động người Việt Nam và 19 người nước ngoài. Báo cáo kết quả đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 của Công ty TNHH Samduk Việt Nam có một công nhân là F1 và 31 F2.

Theo ông Thanh, tại thời điểm kiểm tra, khoảng cách tại chuyền may và chuyền thành hình có khoảng 1.600 công nhân không bảo đảm theo quy định. Trong khu vực nhà ăn, số người ngồi ăn với mật độ cao chưa bảo đảm khoảng cách an toàn. Tại buổi làm việc, đoàn kiểm tra đã yêu cầu doanh nghiệp tạm dừng sản xuất các dây chuyền may, chuyền thành hình, xây dựng ngay phương án bố trí giãn cách 1,5 m tại các chuyền, tổ sản xuất…

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Phạm Tấn Hòa (bìa trái) kiểm tra công tác phòng dịch tại các doanh nghiệp trên địa bàn. (Ảnh: longan.gov.vn)

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Phạm Tấn Hòa (bìa trái) kiểm tra công tác phòng dịch tại các doanh nghiệp trên địa bàn. (Ảnh: longan.gov.vn)

 

 

Bên cạnh đó, qua kiểm tra việc tự đánh giá mức độ an toàn về phòng, chống Covid-19 của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An, đoàn kiểm tra liên ngành phòng, chống dịch đã xác định được khoảng 851 doanh nghiệp thuộc diện ít nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, 316 doanh nghiệp nguy cơ thấp và 39 doanh nghiệp nguy cơ trung bình. Phần lớn các doanh nghiệp có nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 ở mức trung bình và thấp là do không tổ chức bữa ăn chia theo ca cho người lao động, không tổ chức đưa đón người lao động, chưa thực hiện đầy đủ việc khám, xét nghiệm sàng lọc định kỳ cho người lao động…

Ðể ngăn chặn, kiểm soát và từng bước đẩy lùi dịch Covid-19, UBND tỉnh Long An đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan tiếp tục chấn chỉnh, nhắc nhở và hỗ trợ doanh nghiệp sớm hoàn thiện phương án tổ chức sản xuất trong tình huống nếu có dịch xảy ra; thực hiện đúng các quy định để phòng, chống dịch hiệu quả. Nếu doanh nghiệp không thực hiện đúng theo quy định, để lọt vào điểm liệt thì phải tạm dừng sản xuất.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Phạm Tấn Hòa cho biết: Doanh nghiệp phải quản lý, giám sát chặt lịch trình di chuyển của công nhân từ nhà đến công ty làm việc và ngược lại, bảo đảm chặt chẽ, đồng bộ và an toàn. Lao động đến công ty làm việc không được di chuyển nhiều nơi trong doanh nghiệp, chuyền nào ở chuyền đó, xưởng nào ở xưởng đó, khâu nào làm khâu đó… Những doanh nghiệp bị ngừng hoạt động cần có phương án khắc phục ngay các bất cập, hạn chế, nếu đáp ứng đúng yêu cầu sẽ sớm được khôi phục sản xuất.