Ban biên tập: truyenthong.cssb@gmail.com
NỔI BẬT

Start-up vẫn có thể “sống khỏe” dù nhà sáng lập rời đi

Việc nhà sáng lập rời khỏi start-up do mình gây dựng chưa chắc đã là “cái kết buồn”. Trong nhiều trường hợp, start-up vẫn tăng trưởng và phát triển tốt dù vắng bóng nhà sáng lập ban đầu.

Thông tin từ DealStreetAsia tiết lộ gần đây, ông Trần Ngọc Thái Sơn, nhà sáng lập, CEO Tiki, đã gửi đơn từ chức lên Hội đồng Quản trị Công ty. Ông Sơn và phía Tiki chưa có tuyên bố chính thức, nhưng thông tin này đủ làm giới khởi nghiệp cũng như những người biết đến Tiki cảm thấy bất ngờ.

Ra mắt năm 2010, Tiki đến nay vẫn là một trong 4 nền tảng thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam. Có thời điểm, Tiki được định giá lên tới 832 triệu USD, tiệm cận trạng thái “kỳ lân” (các start-up được định giá từ 1 tỷ USD trở lên).

Thông tin DealStreatAsia đưa ra khiến nhiều người đặt câu hỏi, nếu ông Trần Ngọc Thái Sơn thực sự rời Tiki, chuyện gì sẽ chờ đợi start-up này ở phía trước? Bởi vì, nhà sáng lập thường được coi như linh hồn của start-up, người gieo mầm và định hình bộ khung cho start-up. Không chỉ đặt nền móng cho hoạt động kinh doanh, nhà sáng lập còn là người tạo dựng nét văn hóa riêng cho từng start-up.

Tại Việt Nam cũng như trên thế giới, nhiều nhà sáng lập cũng từng rời khỏi “đứa con tinh thần” của mình. Ví dụ, nhà sáng lập Colin Huang của sàn thương mại điện tử Pinduoduo, Travis Kalanick của Uber, Nguyễn Hải Ninh của chuỗi The Coffee House, Trần Thanh Hải của Be Group…

Có nhiều nguyên nhân cho sự ra đi của những người từng là “đầu tàu” dẫn dắt start-up. Trong một số trường hợp, khi doanh nghiệp đạt đến ngưỡng phát triển nhất định, quá trình điều hành, quản trị công ty trở nên phức tạp hơn, nhà sáng lập không còn đủ khả năng để tiếp tục hành trình. Họ quyết định tự rút lui hoặc buộc phải từ chức theo yêu cầu của hội đồng quản trị, sau khi không đáp ứng đủ các chỉ tiêu về tăng trưởng, lợi nhuận.

Trong nhiều trường hợp khác, bản thân nhà sáng lập tìm ra đam mê, lĩnh vực mới hấp dẫn hơn, hoặc đơn giản chỉ vì họ thấy hết “lửa” với nghề, nên muốn rẽ lối...

Dù lý do gì, thì sự ra đi của những cánh chim đầu đàn sẽ vẫn gây ra xáo trộn với start-up trong ngắn hạn, ảnh hưởng đến hoạt động của đội ngũ đồng sáng lập và tâm lý của nhân viên. Với những start-up đang có định hướng gọi vốn, việc nhà sáng lập rời đi có thể khiến các quỹ đầu tư hoặc các nhà đầu tư cá nhân nảy sinh tâm lý nghi ngờ, khiến quá trình gọi vốn trở nên khó khăn hơn.

Tuy nhiên, trong dài hạn, nếu lựa chọn nhân sự thay thế phù hợp và biết cách điều chỉnh để thích nghi, các start-up hoàn toàn có thể tiếp tục tăng trưởng, phát triển tốt dù đã vắng bóng nhà sáng lập ban đầu.

Đơn cử, kể từ khi nhà sáng lập Nguyễn Hải Ninh chính thức rời đi vào tháng 2/2021, The Coffee House đến nay vẫn là một trong những chuỗi cà phê lớn trên thị trường, với 150 cửa hàng trên khắp cả nước. Thương hiệu cũng ra mắt thêm mô hình mới - Signature by The Coffee House,  kết hợp bán đồ ăn và đồ uống với định vị cao cấp, riêng biệt hơn so với các cửa hàng trước đó.

Còn với Be Group, sau khi nhà sáng lập Trần Thanh Hải rời đi vào cuối 2019, ứng dụng gọi xe “made in Vietnam” vẫn hoạt động tốt và đã hòa vốn trong năm 2020, có lãi từ quý III/2022. Tháng 3 năm nay, Be Group công bố nhận thêm vốn đầu tư từ Công ty cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh.

Quay trở lại câu chuyện của Tiki, dù ông Trần Ngọc Thái Sơn thật sự rời khỏi nền tảng này, thì mọi chuyện chưa hẳn là quá tệ. Rất có thể, những “làn gió mới” trong bộ máy nhân sự sẽ mang đến động lực và sức mạnh tăng trưởng để đưa Tiki vượt khỏi thế bế tắc hiện nay, trong bối cảnh nền tảng này có phần đang “hụt hơi” trước các đối thủ như Shopee, Lazada hay TikTok Shop.