Ban biên tập: truyenthong.cssb@gmail.com
NỔI BẬT

Tổng vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới giảm 19,8%

DNVN - Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), 6 tháng đầu năm 2023, tổng vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới chỉ đạt 707,5 nghìn tỷ đồng, giảm 19,8% và chỉ tương đương 87,7% mức bình quân của cùng kỳ giai đoạn 2018-2022.

Báo cáo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và triển vọng cuối năm 2023” cho biết, sau kết quả tăng trưởng khá cao của năm 2022, Việt Nam kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy đà phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2023.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều yếu tố bất định, Việt Nam đã rất thận trọng trong dự báo, đánh giá các diễn biến lớn, bất thường.

Chính phủ Việt Nam vẫn quyết tâm phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 và không đặt vấn đề điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng của cả năm.

Số doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng đầu năm giảm 0,5% so với cùng kỳ 2022.

Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã chú trọng công tác hoàn thiện thể chế, chính sách, khơi thông nguồn lực đầu tư cho nền kinh tế. Tư duy về cơ chế thử nghiệm cho một số ngành, lĩnh vực và cơ chế đặc thù cho vùng, địa phương được cân nhắc tích cực hơn.

Dù còn khoảng cách so với mục tiêu đề ra, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã có sự cải thiện giữa các quý, đạt 3,28% trong quý I/2023 và 4,14% trong quý II/2023.

Tính chung 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng đạt 3,72%. Tốc độ tăng giá trị tăng thêm của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 3,07%; khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 1,13%; khu vực dịch vụ đạt 6,33%.

Sự phục hồi của khu vực dịch vụ, đặc biệt là du lịch, có đóng góp quan trọng của các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, chính sách mở cửa nền kinh tế trở lại từ năm 2022.

Tuy nhiên, báo cáo của CIEM chỉ rõ, trong 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn.

“Có 75,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, giảm 0,5% so với cùng kỳ 2022. Tổng vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới chỉ đạt 707,5 nghìn tỷ đồng, giảm 19,8% và chỉ tương đương 87,7% mức bình quân của cùng kỳ giai đoạn 2018-2022.

Số vốn đăng ký tăng thêm của doanh nghiệp cũng giảm tới 48,1%. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm giảm 7,4%, đạt gần 38 nghìn doanh nghiệp”, báo cáo cho biết.

Cũng theo CIEM, tình hình lao động, việc làm trong 6 tháng đầu năm đối mặt với không ít thách thức do nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất do đơn hàng giảm và chi phí sản xuất tăng cao.

Dù vậy, tình hình lao động, việc làm cơ bản vẫn trong tầm kiểm soát. Số lượng lao động có việc làm đạt 51,2 triệu người, tăng 902 nghìn người, tỷ lệ thất nghiệp là 2,27%, giảm 0,12 điểm phần trăm.

Trong khó khăn, Việt Nam vẫn xuất khẩu lao động sang một số thị trường. Nếu khai thác được tiềm năng của nhóm lao động trẻ từ 15-34 tuổi, Việt Nam có thể cải thiện năng suất lao động và thúc đẩy phục hồi tăng trưởng GDP trong thời gian tới.