Ban biên tập: truyenthong.cssb@gmail.com
NỔI BẬT

Doanh nghiệp có dấu hiệu phục hồi trong khó khăn

Hoạt động của doanh nghiệp có dấu hiệu phục hồi. Điều này cho thấy, các chính sách tài khóa, tiền tệ, miễn giảm thuế, lãi suất bắt đầu phát huy hiệu quả.

Theo bà Phí Hương Nga, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê), Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp phải nỗ lực hơn nữa mới vượt qua được khó khăn, thách thức trong thời gian tới.

Bà Phí Hương Nga, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê).

Bà có nghĩ rằng, hoạt động sản xuất, kinh doanh đã có dấu hiệu phục hồi?

Trong tháng 3/2023, có 14.200 doanh nghiệp thành lập mới với vốn đăng ký 145.700 tỷ đồng, tăng 61% về số doanh nghiệp và tăng trên 122% về vốn đăng ký so với tháng 2/2023. Bên cạnh đó, có khoảng 6.300 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 60% so với tháng trước đó và tăng trên 46% so với cùng kỳ năm 2022.

Số liệu trên cho thấy, hoạt động của doanh nghiệp đã khởi sắc từ tháng 3/2023 và sang tháng 4/2023 lại càng sáng sủa hơn.

Cụ thể, trong tháng có gần 16.000 doanh nghiệp thành lập mới với vốn đăng ký 154.600 tỷ đồng, tăng tương ứng 12,3% và 6,2% so với tháng trước đó. Chưa kể, trong tháng còn có 9.610 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 53% so với tháng trước đó và tăng 36,6% so với cùng kỳ năm 2022. Nhờ sự phục hồi của doanh nghiệp trong 2 tháng qua, nên trong 4 tháng đầu năm có 78.900 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, trong khi chỉ có 77.000 doanh nghiệp ngừng, tạm ngừng, giải thể, chấm dứt tình trạng suy giảm số lượng doanh nghiệp do số tham gia thị trường ít hơn số doanh nghiệp “rời bỏ cuộc chơi”.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi là do các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ doanh nghiệp bắt đầu phát huy tác dụng, thưa bà?

Đúng là các chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh đã bắt đầu phát huy tác dụng, như việc giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đang thuê nhà ở, hỗ trợ tiền cho người lao động quay lại thị trường lao động. Nhiều chính sách miễn, giảm phí, lệ phí, gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất được thực từ những năm trước tiếp tục được triển khai trong năm nay cũng đã phát huy tác dụng.

Tại Kỳ họp thứ năm của Quốc hội, dự kiến khai mạc ngày 22/5, Chính phủ sẽ trình Quốc hội đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8%. Việc này sẽ thúc đẩy thị trường nội địa, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Sự phục hồi của doanh nghiệp còn nhờ nhiều mặt hàng xuất khẩu sang EU bắt đầu được hưởng thuế suất 0% theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Nhưng thưa bà, trước mắt, doanh nghiệp phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức do đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh?

Xung đột Nga - Ukraine cùng tác động tiêu cực từ lạm phát khiến xu hướng mua sắm của người tiêu dùng trên thế giới giảm mạnh. Tỷ lệ lạm phát tại Hoa Kỳ và EU - hai trong số 6 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, mặc dù giảm trong mấy tháng gần đây, nhưng đã bắt đầu tăng trở lại. Trước bối cảnh đó và với quyết tâm đưa lạm phát về quanh mức 2%, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất và đây là lần thứ 10 liên tiếp, Fed tăng lãi suất - chuỗi tăng lãi suất được ghi nhận dài chưa từng có. Trước động thái của Fed, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) chắc cũng sẽ có động thái tương tự để kiểm soát lạm phát.

Lạm phát cao làm nhu cầu tiêu dùng của người dân bị giảm tương ứng, vì cùng một số tiền bỏ ra, nhưng mua được số hàng hóa ít hơn. Khi người tiêu dùng tại các thị trường chủ lực như Hoa Kỳ và EU giảm mua sắm, thì hoạt động sản xuất tại những nước cung ứng hàng hóa chắc chắc giảm theo. Chưa kể, trong bối cảnh khó khăn này, nhiều mặt hàng của Việt Nam, đặc biệt là hàng may mặc, da giày, đồ gỗ..., phải cạnh tranh với hàng hóa của những quốc gia có giá thành sản xuất, gia công thấp hơn Việt Nam nhờ lợi thế nhân công giá rẻ.

Khó khăn trên thế giới là khó khăn chung, vấn đề là phải có các chính sách, giải pháp để thích ứng với hoàn cảnh mới, thưa bà?

Nhiều doanh nghiệp đang gặp khó về thủ tục hành chính để mở rộng sản xuất, tuyển nhân công đáp ứng được điều kiện sản xuất ra chủng loại, mẫu mã hàng hóa theo yêu cầu của đối tác nhập khẩu. Vì vậy, tôi cho rằng, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương phải sớm hỗ trợ doanh nghiệp hoàn tất các yêu cầu về thủ tục hành chính trong việc xây dựng nhà xưởng; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tuyển dụng và đào tạo nghề cho lao động theo đúng yêu cầu.

Một trong những hoạt động trước đây thường được các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện và cho thấy rất có hiệu quả là đứng ra kết nối giữa nhà băng với doanh nghiệp nhằm hỗ trợ, giải quyết khó khăn về vốn cho doanh nghiệp trong quá trình phục hồi và khởi nghiệp. Trong lúc này, cần phải mở rộng hoặc nâng tầng suất gặp gỡ, đối thoại nhiều hơn với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Xuất khẩu gặp khó khăn, nhìn vào tình hình thế giới có thể dự đoán thời gian khó khăn còn kéo dài, nên để bù lại thị trường xuất khẩu, cần có các chương trình kích cầu nội địa, hỗ trợ xúc tiến thương mại đi đôi với tìm kiếm, khai thác các thị trường mới, đơn hàng mới, trong đó, trước mắt phải có giải pháp giúp doanh nghiệp cầm cự trong hoạt động sản xuất, gia công hàng xuất khẩu bằng việc hỗ trợ mở rộng thị trường, tìm kiếm thêm đơn hàng mới, dù giá trị gia tăng không cao, nhưng giải quyết được tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm.

Về phía doanh nghiệp thì sao, thưa bà?

Trong bối cảnh đơn hàng khan hiếm như lúc này, doanh nghiệp phải đa dạng hóa sản phẩm phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng ở nhiều phân khúc khác nhau và hướng đến tăng giá trị gia tăng của sản phẩm, nghĩa là sản xuất ít, nhưng bán được giá cao, mang về lợi nhuận cao hơn so với sản xuất sản phẩm đại trà với lợi nhuận thấp.

Giá nguyên liệu đầu vào một số ngành, lĩnh vực đang tăng và đây là thời điểm để doanh nghiệp chủ động về nguồn nguyên liệu, bởi khi thị trường thế giới phục hồi, nhu cầu tăng cao thì doanh nghiệp lại rơi vào hoàn cảnh thiếu đầu vào hoặc “mua đuổi, bán đuổi”, với lợi nhuận thực tế chẳng được bao nhiêu.

Trong lúc khó khăn này, thay vì sa thải lao động, cắt giảm giờ làm, tìm mọi cách tiết giảm chi phí bằng việc giảm lương, giảm đơn giá sản xuất, giảm phúc lợi, thì nên làm ngược lại, là thực hiện tốt chế độ phúc lợi để thu hút và giữ chân người lao động gắn bó lâu dài, tạo điều kiện cho người lao động nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Chỉ có như vậy, khi sóng gió qua đi, người lao động mới gắn bó với doanh nghiệp.