Ban biên tập: truyenthong.cssb@gmail.com
NỔI BẬT

PNJ đang giành thêm thị phần vàng, trang sức

Xu hướng trang sức trung, cao cấp tại Việt Nam vẫn còn dư địa để tăng trưởng, nhất là sau 2 năm sàng lọc, thị trường trang sức xuất hiện nhiều khoảng trống mà doanh nghiệp nhỏ lẻ và cửa hàng tư nhân để lại.

Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) đã công bố kết quả kinh doanh tháng 7/2023 với doanh thu thuần đạt 2.364 tỷ đồng - giảm 5,8% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 85 tỷ đồng - tăng 6,7%.

Phía PNJ cho biết, đà giảm doanh thu so với cùng kỳ đã được thu hẹp và lợi nhuận sau thuế được cải thiện nhờ tối ưu hóa vận hành.

Luỹ kế 7 tháng đầu năm nay, doanh thu thuần của PNJ đạt 18.823 tỷ đồng - giảm 9,2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 1.171 tỷ đồng - tăng khoảng 0,4%.

Điểm sáng của PNJ là biên lợi nhuận gộp trung bình đạt 18,7% - cao hơn mức 17,4% so với cùng kỳ năm trước, nằm trong vùng biên lợi nhuận của kế hoạch kinh doanh.

Dẫn dắt doanh thu PNJ vẫn là kênh bán lẻ, hiện đang giảm gần 10% so với cùng kỳ 7 tháng đầu năm ngoái. Tuy nhiên, theo phía SSI Research, đây lại là dấu hiệu tích cực, khi mức giảm ở PNJ thấp hơn mức giảm chung là 18% của ngành trang sức, theo Hội đồng Vàng Thế giới.

SSI Research cho rằng, việc doanh thu bán lẻ trang sức của PNJ suy giảm thấp hơn toàn ngành chứng tỏ doanh nghiệp đang giành được thêm thị phần tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, doanh thu bán buôn của PNJ trong 7 tháng đầu năm 2023, giảm mạnh hơn 31% cũng lý giải cho việc PNJ đang gia tăng được thị phần bán lẻ.

Sức nóng ở thị trường 10.000 tiệm vàng, trang sức bán lẻ
Dẫn dắt doanh thu PNJ vẫn là kênh bán lẻ, hiện đang giảm gần 10% so với cùng kỳ

Thực tế, gia tăng thị phần bán lẻ trang sức đang trở thành bài toán chung của nhiều doanh nghiệp trong ngành. Nhất là sau khi đại dịch Covid-19 qua đi, doanh nghiệp và cửa hàng nhỏ lẻ trong lĩnh vực này đã phải rời bỏ thị trường do không chịu nổi áp lực, số khác chọn trả mặt bằng, cố gắng chuyển hệ thống sang hình thức online.

Ở các thành phố lớn, sức mua nữ trang vẫn tiếp tục tăng, còn ở khu vực nông thôn khách hàng cũng bắt đầu thay đổi thói quen mua sắm. Thay vì mua vàng với mục đích tích trữ, người dân bắt đầu có nhu cầu mua trang sức phân khúc trung và cao cấp.

Theo ước tính của Công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey, trong 10 năm tới, tầng lớp trung lưu ở Việt Nam có thể tăng thêm 37 triệu người, trải rộng về mặt địa lý.

Sự gia tăng của tầng lớp này cùng với thay đổi trong xu hướng tiêu dùng từ tích trữ sang tích trữ và làm đẹp sẽ góp phần nới rộng dư địa tăng trưởng của thị trường trang sức. Nhóm khách trung lưu đang hướng đến các sản phẩm nữ trang hợp thời, cao cấp, thiết kế tinh xảo hơn và mang thương hiệu lớn trong nước lẫn quốc tế.

Ông Lê Trí Thông - CEO PNJ từng đưa ra dự báo trong 10 năm tới, xu hướng trang sức trung cao cấp tại Việt Nam vẫn còn dư địa để tăng trưởng.

Báo cáo của Hội đồng Vàng Thế giới, nhu cầu vàng của người Việt Nam đã tăng từ 12,6 tấn trong quý2/2021 lên 14 tấn trong quý 2/2022. Sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi nhu cầu về vàng trang sức, tăng tới 28%, từ 3,5 tấn lên đến 4,5 tấn.

Từ bối cảnh đó, sau 2 năm sàng lọc, thị phần ngành trang sức xuất hiện nhiều khoảng trống mà doanh nghiệp nhỏ lẻ và cửa hàng tư nhân để lại.

Sức nóng ở thị trường 10.000 tiệm vàng, trang sức bán lẻ 1
Thị trường trang sức xuất hiện nhiều khoảng trống mà doanh nghiệp nhỏ lẻ, tư nhân để lại

Xu hướng này tạo cơ hội cho những doanh nghiệp lớn, có tiềm lực tài chính mạnh đánh chiếm thị phần trong một thị trường nhiều tiềm năng tăng trưởng. Như sự mở rộng của một loạt các tên tuổi lớn gần đây gồm: PNJ, Doji, SJC, Bảo Tín Minh Châu...

Tất nhiên, để có được thị phần nhanh chóng trong thị trường trang sức Việt Nam không phải điều đơn giản. Theo một thống kê không chính thức, Việt Nam hiện có khoảng 10.000 cửa hàng kinh doanh vàng bạc, đá quý, trang sức trên cả nước.

Trong khi đó, chưa có một doanh nghiệp lớn nào được đánh giá là có khả năng chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Chẳng hạn, PNJ mới có khoảng 384 cửa hàng trang sức trên cả nước. Phía Doji cho biết doanh nghiệp có hơn 400 đại lý. Còn SJC là 200 cửa hàng.

Các chuyên gia trong nước nhận định, thị trường trang sức Việt Nam là một thị trường màu mỡm nhưng chưa được khai thác hết tiềm năng. Thống kê sơ bộ cho thấy, các thương hiệu hiện tại chỉ chiếm khoảng 30-40% thị trường.

Thực tế, trang sức là một thị trường đặc thù, do nhu cầu phía người tiêu dùng tương đối đa dạng. Có người mua trang sức để làm đẹp, có người mua trang sức, vàng để lưu trữ.

Bên cạnh đó, trang sức ngày nay không chỉ là một hàng có giá trị, mà còn cần phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, nhất là người tiêu dùng trẻ. Do đó, thương hiệu muốn gia tăng được thị phần cần có những nghiên cứu, khảo sát cụ thể, nhằm chạm tới được trái tim khách hàng.

Phía SSI Research đánh giá cao PNJ khi doanh nghiệp đưa ra được nhiều chiến lược để tạo ra nhu cầu mới. Chẳng hạn, PNJ đã đi tiên phong trong truyền thống cầu hôn tại Việt Nam vào đầu năm 2023, nhằm mục đích tạo ra nhu cầu từ cả các cặp đôi sắp cưới và đã cưới. Nếu thực hiện thành công, chiến lược này có thể kích hoạt nhu cầu lâu dài.