Ban biên tập: truyenthong.cssb@gmail.com
NỔI BẬT

Doanh nhân dùng mạng xã hội: Ứng xử thế nào để tránh rắc rối pháp lý?

Bên cạnh những lợi ích mang lại, lãnh đạo doanh nghiệp cần cẩn trọng với những rủi ro tiềm ẩn đặc biệt là các rủi ro về pháp lý khi tham gia vào cộng đồng mạng xã hội.

Doanh nhân vướng rắc rối vì vạ miệng trên mạng xã hội, bị phạt hành chính vài triệu đồng có lẽ nhiều người sẽ nghĩ chẳng thấm vào đâu so với một lãnh đạo doanh nghiệp hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, với tầm ảnh hưởng của họ trong tổ chức, trong chuỗi giá trị và cộng đồng thì thiệt hại sẽ không hề nhỏ về danh tiếng, uy tín và nhiều trường hợp thậm chí phải chịu trách nhiệm hình sự. 

Liên quan đến vấn đề này, TheLEADER đã có cuộc trao đổi với bà Lạc Thị Tú Duy, Luật sư điều hành của Lac Duy & Associates.

Bà đánh giá như thế nào về thực trạng dùng mạng xã hội của các doanh nhân, nhà lãnh đạo doanh nghiệp hiện nay?

Luật sư Lạc Thị Tú Duy: Ngày nay, việc các doanh nhân/lãnh đạo doanh nghiệp tham gia các hoạt động trên mạng xã hội đã trở thành điều bình thường. Thậm chí, nhiều người còn sử dụng các tài khoản mạng xã hội một cách chủ động, tích cực, không chỉ cho mục đích chia sẻ thông tin đời sống cá nhân mà còn giúp đưa hình ảnh của bản thân - doanh nhân và doanh nghiệp mình tiếp cận đến cộng đồng một cách gần gũi và hiệu quả.

Ngoài ra, việc hoạt động trên mạng xã hội còn hỗ trợ các lãnh đạo doanh nghiệp trong hoạt động quản trị, điều hành. Thử tưởng tượng, trong một công ty mà đa phần nhân sự đều có tài khoản mạng xã hội, các tương tác trong thế giới ảo đôi khi còn sôi nổi không thua kém ngoài đời thực.Việc lựa chọn làm người đứng ngoài, không biết, không nghe, không thấy rõ ràng là không phù hợp đối với người giữ vai trò đầu tàu quản lý con người.

Mặc dù vậy, bên cạnh việc thấy được các lợi ích có thể mang lại, doanh nhân/lãnh đạo doanh nghiệp cũng không nên bỏ qua các rủi ro tiềm ẩn, trong đó có các rủi ro về mặt pháp lý, khi trở thành một thành viên của cộng đồng mạng xã hội.

Rủi ro dễ thấy nhất là việc các thông tin, dữ liệu cá nhân của doanh nhân/lãnh đạo doanh nghiệp lẫn thông tin về bí mật kinh doanh, hồ sơ doanh nghiệp họ có thể bị thu thập, sử dụng theo hướng gây bất lợi hoặc bất hợp pháp.

Bên cạnh đó, doanh nhân/lãnh đạo doanh nghiệp có thể tự làm mất uy tín, hình ảnh của mình, của doanh nghiệp mình và thậm chí có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý, xuất phát từ việc thiếu kiểm soát hành vi và không tuân thủ pháp luật trong quá trình sử dụng mạng xã hội của mình.

Điều gì có thể dẫn đến rủi ro liên quan đến việc thông tin, dữ liệu của cá nhân nhà lãnh đạo và doanh nghiệp có thể bị thu thập và sử dụng theo hướng gây bất lợi hoặc bất hợp pháp, thưa bà?

Luật sư Lạc Thị Tú Duy: Với vị trí của mình trong doanh nghiệp hay cộng đồng, các doanh nhân/lãnh đạo doanh nghiệp có nguy cơ cao trở thành đối tượng của việc khai thác thông tin cá nhân nhằm phục vụ cho những mục đích không phù hợp, thậm chí vi phạm pháp luật một cách có chủ đích.

Khi khởi tạo tài khoản và trong quá trình tham gia mạng xã hội, cũng như bất cứ người nào khác, các doanh nhân sẽ có thể đưa lên không gian mạng những thông tin thuộc về dữ liệu cá nhân, riêng tư.

Theo quy định tại Nghị định 13 năm 2023 của Chính phủ về việc bảo vệ dữ liệu cá nhân, dữ liệu cá nhân được chia thành hai loại, gồm: dữ liệu cá nhân cơ bản và dữ liệu cá nhân nhạy cảm. Trong đó, dữ liệu cá nhân cơ bản có thể kể tới như tên tuổi, ngày tháng năm sinh, hình ảnh, nơi ở, số điện thoại, địa chỉ liên lạc, tình trạng hôn nhân, các mối quan hệ trong gia đình. Các thông tin về quan điểm chính trị, quan điểm tôn giáo, tình trạng sức khỏe ghi nhận trong bệnh án, thông tin về đặc điểm di truyền hay nguồn gốc dân tộc, chủng tộc, thông tin về xu hướng tình dục của cá nhân được xếp vào nhóm dữ liệu cá nhân nhạy cảm.

Xuất phát từ mức độ nhạy cảm của thông tin và mức độ ảnh hưởng trực tiếp khi bị xâm phạm, mức độ bảo vệ mà pháp luật dành cho dữ liệu cá nhân nhạy cảm là nhiều hơn. Tuy nhiên, nhìn chung pháp luật có quan điểm rõ ràng là các thông tin cá nhân cần phải được bảo vệ và chủ thể của thông tin cá nhân được trao quyền rộng rãi để chủ động bảo vệ mình khỏi các hành vi vi phạm, trong đó có quyền cho phép hay không cho phép việc sử dụng các dữ liệu cá nhân của mình.

Tuy vậy, theo một cách nào đó, dù vô tình hay cố ý, trực tiếp hay gián tiếp, việc chủ động đăng tải một cách không chọn lọc các thông tin cá nhân, bao gồm các thông tin nhạy cảm lên mạng xã hội, tiềm ẩn nguy cơ các dữ liệu này bị thu thập và sử dụng một cách bất hợp pháp, nhẹ thì nhằm dèm pha nói xấu, gây ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh cá nhân, ở mức độ nghiêm trọng hơn, các thông tin cá nhân một khi được thu thập một cách có chủ ý và có hệ thống sẽ có thể là chất liệu cho các hành vi vi phạm pháp luật có tổ chức, thậm chí là vi phạm pháp luật hình sự.

Đối với các thông tin về hoạt động của doanh nghiệp, một khi tham gia mạng xã hội, các doanh nhân/lãnh đạo doanh nghiệp sẽ khó tránh được việc trao đổi thông tin, dữ liệu công việc thông qua các nền tảng tiện ích liên quan, trong đó có thể thông qua các diễn đàn thảo luận nội bộ, chỉ đạo công việc, hoặc đơn giản hơn là việc gửi và nhận thông tin qua tin nhắn zalo hay facebook. Một khi các tài khoản mạng xã hội của doanh nhân/lãnh đạo doanh nghiệp gặp vấn đề về bảo mật hay bị chiếm dụng trái phép, là điều rất thường gặp trên không gian mạng internet nói chung và mạng xã hội nói riêng, các thiệt hại về việc thông tin thuộc bí mật kinh doanh, bí mật doanh nghiệp bị khai thác bất hợp pháp là khó có thể đong đếm được.

Cá biệt, tôi từng chứng kiến có một số doanh nhân/lãnh đạo doanh nghiệp có thói quen thường xuyên cập nhật trên trang cá nhân các thông tin khá nhạy cảm về doanh nghiệp mình. Thậm chí có vị còn than thở về vấn đề tài chính của công ty khi đến hạn thanh toán lương hay vô tình tiết lộ các thông tin khá nhạy cảm của doanh nghiệp mình trong các bình luận, tranh luận đến hồi cao trào trên mạng xã hội. Theo tôi, đây là thói quen sử dụng mạng xã hội có thể gây phương hại đáng tiếc cho lợi ích của doanh nghiệp mà họ đại diện.

Tránh rắc rối pháp lý khi doanh nhân dùng mạng xã hội
Bà Lạc Thị Tú Duy, Luật sư điều hành của Lac Duy & Associates.

Ở chiều ngược lại, doanh nhân có thể tự đẩy mình và doanh nghiệp vào những rắc rối pháp lý như thế nào?

Luật sư Lạc Thị Tú Duy: Với vị trí của mình, các doanh nhân/lãnh đạo doanh nghiệp khi sử dụng mạng xã hội sẽ rất dễ trở thành tâm điểm của sự quan tâm, theo dõi. Hẹp thì được chú ý trong phạm vi doanh nghiệp, nhân viên và với đối tác; rộng thì ở mức độ cộng đồng ngành nghề, thậm chí có doanh nhân/lãnh đạo doanh nghiệp đã trở thành người nổi tiếng nhờ mạng xã hội, thu hút hàng ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn hay hàng triệu người theo dõi. Mỗi thông tin, phát ngôn mà những vị này cập nhật trên trang cá nhân của mình có thể thu hút đông đảo người quan tâm, tương tác và chia sẻ.

Sự nổi tiếng trên không gian mạng xã hội đôi khi làm một số doanh nhân/lãnh đạo doanh nghiệp sao nhãng việc ưu tiên sử dụng tài khoản của mình để chăm chút cho hình ảnh bản thân - doanh nhân lẫn hình ảnh, thương hiệu doanh nghiệp mà mình đại diện. Thay vào đó, một số người bắt đầu sử dụng mạng xã hội để phục vụ các hoạt động nặng tính giải trí (trái ngược với hình ảnh chững chạc, chau chuốt cần thiết của một doanh nhân/lãnh đạo) hoặc đưa ra các phát ngôn không phù hợp, tham gia vào các cuộc tranh luận, tranh cãi trên mạng mà bản thân những người liên quan thiếu sự kiềm chế và không còn tuân thủ các chuẩn mực về ứng xử trên không gian mạng xã hội.

Hệ quả trước mắt của các hành vi này có thể là làm mất hình ảnh nhất quán đã được dày công xây dựng trước đó và được biết đến rộng rãi làm nên “thương hiệu” của doanh nhân/lãnh đạo doanh nghiệp. Trong mắt đối tác, các doanh nhân này có thể vô hình trung biến mình thành một nhân vật giải trí hoặc cực đoan, thiếu chín chắn hơn là đối tác đáng tin tưởng.

Nghiêm trọng hơn, việc đi quá giới hạn cho phép của pháp luật đối với các hành vi chia sẻ thông tin, phát ngôn và tranh luận trên mạng xã hội có thể dẫn đến các hậu quả pháp lý đáng tiếc với các doanh nhân/lãnh đạo doanh nghiệp tham gia hoạt động mạng xã hội, như bất cứ cá nhân nào khác. 

Cụ thể, họ có thể phải chịu trách nhiệm dân sự khi bị khởi kiện về các hành vi vi phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân tổ chức liên quan. Đối với nhà nước, hành vi vi phạm có thể dẫn đến trách nhiệm hành chính hoặc thậm chí trách nhiệm hình sự do sự vi phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm.

Trong cả hai rủi ro mà tôi nêu ra ở trên, theo tôi, việc cá nhân doanh nhân/lãnh đạo doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực là điều có thể thấy được. Điều đáng nói là bản thân doanh nghiệp mà họ là lãnh đạo cũng khó tránh khỏi những thiệt hại liên quan. Vì dù sao trong trường hợp này, hình ảnh, thương hiệu của chủ/lãnh đạo doanh nghiệp cũng chính là đại diện cho hình ảnh, thương hiệu của cả công ty nơi họ là đầu tàu.

Luật sư có lời khuyên gì cho các chủ/lãnh đạo doanh nghiệp để tránh được rủi ro và tận dụng được thế mạnh của mạng xã hội?

Luật sư Lạc Thị Tú Duy: Với tư cách là một luật sư, theo tôi, khi tham gia mạng xã hội, các doanh nhân/lãnh đạo doanh nghiệp cần chú ý hai khía cạnh quan trọng.

Thứ nhất, cần cẩn trọng trong việc khai báo và đăng tải, trao đổi các thông tin cá nhân, thông tin thuộc bí mật kinh doanh hay các dữ liệu về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp lên mạng xã hội. Theo đó, doanh nhân/lãnh đạo doanh nghiệp cần nắm được những quyền và nghĩa vụ cơ bản của mình, những điều được làm và không được làm hoặc nên tránh để hạn chế các rủi ro pháp lý có thể gặp phải.

Thứ hai, doanh nhân/lãnh đạo doanh nghiệp cần phải lường trước khả năng xảy ra các rủi ro, kể cả rắc rối về mặt pháp lý xuất phát từ các hoạt động trên mạng xã hội của mình. Khi đó, việc xử lý khôn khéo, hợp lý, hợp pháp là đòi hỏi đặt ra.

Doanh nhân/lãnh đạo doanh nghiệp mong muốn xây dựng tài khoản mạng xã hội cá nhân nhằm mục đích lồng ghép với những nội dung có tính chất xây dựng thương hiệu cá nhân, thương hiệu doanh nghiệp mình. Tuy nhiên, nếu còn băn khoăn về những rủi ro và chưa chắc chắn về định hướng thương hiệu cá nhân cũng như thương hiệu công ty trên mạng xã hội, họ nên tìm tham vấn của các chuyên gia tư vấn hình ảnh mạng xã hội chuyên nghiệp và các chuyên gia pháp lý có chuyên môn, kinh nghiệm. 

Xin cảm ơn bà!