Ban biên tập: truyenthong.cssb@gmail.com
NỔI BẬT

Nguyễn Đức Vinh - Vị sếp từng được "đồn" nhận lương cao nhất ngành ngân hàng, người đưa Techcombank và VPBank từ "tấm chiếu mới" thành những tên tuổi đình đám

Nhân sự trong giới ngân hàng Việt Nam có lẽ đều biết đến ông Vinh với hình tượng của một CEO đầy tài năng trong khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, vị thủ lĩnh đóng vai trò quan trọng đưa Techcombank và VPBank vươn lên top đầu ngành.

Mới đây, toàn bộ nhân viên ngân hàng VPBank cảm thấy ấm lòng khi nhận được bức tâm thư tăng lương của CEO Nguyễn Đức Vinh.

"Vì vậy, nhằm ghi nhận những đóng góp và thể hiện sự quan tâm tới đời sống của cán bộ nhân viên, Ban lãnh đạo ngân hàng quyết định phê duyệt Chương trình Điều chỉnh lương năm 2021, bắt đầu ngay từ kỳ lương tháng 7, sớm hơn 2 tháng so với kế hoạch", CEO VPBank viết.

Quyết định này mang lại động lực rất lớn đối với các nhân viên ngân hàng, khi đặt trong bối cảnh đại dịch Covid-19, đồng thời cho thấy phần nào kết quả kinh doanh khả quan của nhà băng này.

Nhân sự trong giới ngân hàng Việt Nam có lẽ đều biết đến ông Vinh với hình tượng của một vị CEO cực kỳ thành công trong khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, là nhân vật đóng vai trò quan trọng đưa Techcombank và VPBank vươn lên top đầu ngành.

Tuy nhiên, ông Vinh cũng được mệnh danh là một trong những sếp ngân hàng kín tiếng bậc nhất Việt Nam. Một nguồn tin thân cận với ông từng chia sẻ trên báo chí, ông Vinh là CEO không thích ồn ào, muốn “sống bình thường như bao người khác”, “hết mình với công việc nhưng khi về nhà thì chỉ là một người bình thường”.

Ông Nguyễn Đức Vinh sinh năm 1958 tại Hưng Yên. Năm 1982, ông tham gia quân đội và trở thành cán bộ Vụ quan hệ quốc tế thuộc Tổng cục hàng không dân dụng Việt Nam năm 1984. Sau hơn chục năm làm việc tại Tổng công ty hàng không Việt Nam, ông Vinh đảm nhiệm vị trí Phó Tổng giám đốc công ty hàng không quốc gia Việt Nam. Năm 1996, ông được nhận học bổng của trường Fulbright tại Mỹ và quay trở lại làm trợ lý cao cấp TGĐ Tổng công ty hàng không Việt Năm năm 1997.

Năm 1999, ông Vinh rẽ hướng sang ngành ngân hàng với vị trí phó Tổng giám đốc ngân hàng Techcombank. Techcombank được thành lập từ năm 1993 với cổ đông sáng lập nắm cổ phần lớn nhất (20%) là Vietnam Airlines. Từ năm 2000, dưới sự dẫn dẵn của CEO này, Techcombank bắt đầu có những bước thay đổi ngoạn mục.

Nguyễn Đức Vinh nổi tiếng là người chú trọng vào việc xây dựng hệ thống ngay từ thuở đầu. Năm 2001, Techcombank đã đầu tư 20 tỷ đồng mua hệ thống ngân hàng lõi (Core Banking) của Thụy Sĩ. Thời điểm này, khái niệm core banking là điều còn xa lạ. Techcombank còn là ngân hàng tiên phong trong việc xây dựng và tham gia các dự án áp dụng công nghệ hiện đại.

Không chỉ đẩy mạnh công nghệ, Techcombank còn đẩy mạnh gọi vốn từ đối tác ngoại để tăng vốn cũng như học hỏi kinh nghiệm.

Giai đoạn những năm 2000, Techcombank là ngân hàng đầu tiên được phê duyệt tăng mức giới hạn sở hữu của khối ngoại. Trong vòng 4 năm, từ 2005 đến 2009, HSBC lần lượt nâng tỉ lệ nắm giữ từ 10% lên đến gần 20%.

Bản thân Techcombank khi đó cũng đã là một ngân hàng hấp dẫn. Mức giá giao dịch của Techcombank lúc đó được cho là cao gấp đôi so với giá thị trường. Theo đánh giá của tập đoàn HSBC mẹ trong báo cáo thường niên năm 2006, Techcombank là ngân hàng lớn thứ ba trong nhóm ngân hàng cổ phần thương mại lúc bấy giờ.

Dưới sự điều hành của ông Vinh cùng hỗ trợ của các chuyên gia của HSBC, Techcombank đẩy mạnh dịch vụ ngân hàng, tài chính cá nhân, vận hành hệ thống, marketing, thẻ, tín dụng tiêu dùng, quản lý thu hồi nợ và kiểm soát rủi ro và cả quản trị hệ thống thông tin cũng như mở rộng hệ thống. Tính đến cuối năm 2007, Techcombank có mạng lưới giao dịch lớn thứ hai trong khối ngân hàng thương mại cổ phần với gần 130 chi nhánh và phòng giao dịch.

Tháng 12/2011, sau 12 năm gắn bó, ông Nguyễn Đức Vinh gửi thư đến HĐQT Techcombank xin từ nhiệm. Cũng khoảng cuối năm 2011 đầu năm 2012, nhiều thông tin trên thị trường cho biết ông Vinh là CEO ngân hàng nhận lương cao nhất ngành ở Việt Nam. Mức lương của ông Vinh được "đồn" lên tới 1 triệu USD/năm (hơn 20 tỷ đồng), tương ứng hơn 1,6 tỷ đồng/tháng. Thông tin này chỉ dừng lại ở dạng "tin đồn", là bởi với CEO ngân hàng, mức lương thường sẽ dựa trên thoả thuận của cá nhân đó với các ông chủ ngân hàng và con số không bao giờ công khai.

Năm 2012, khi ông Vinh chuyển sang VPBank, lợi nhuận của Techcombank giảm 20% từ hơn 800 tỷ đồng xuống còn hơn 630 tỷ đồng.

Nguyễn Đức Vinh -  Vị sếp từng được đồn nhận lương cao nhất ngành ngân hàng, người đưa Techcombank và VPBank từ tấm chiếu mới thành những tên tuổi đình đám - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đức Vinh tại Techconbank.

Khi về với VPBank, CEO Nguyễn Đức Vinh cũng đặt mục tiêu xây dựng hệ thống trong vòng 3 năm. Bắt đầu từ cuối năm 2012, VPBank bắt đầu triển khai dự án xây dựng và chuyển đổi số.

Ông Vinh cũng vạch ra chiến lược kinh doanh rõ ràng cho VPBank khi tập trung 2 mảng chính: Một là cho vay các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), hai là nhóm khách hàng cá nhân. Đồng thời tách ra thành hai khối kinh doanh riêng biệt so với trước.

9 năm gắn bó với VPBank, ông Vinh đã thay đổi hoàn toàn nhà băng này về cả quy mô, kết quả kinh doanh và cách làm thương hiệu.

Lợi nhuận trước thuế của VPBank năm 2020 vượt mốc 13.000 tỷ đồng, tăng 20 lần so với năm 2012. Năm 2017, VPBank lên sàn với mã cổ phiếu VPB giá khoảng 22.000 đồng. Hiện giá cổ phiếu VPB đóng cửa phiên giao dịch ngày 2/7/2021 là 72.100 đồng, tăng hơn 3 lần.

Dưới thời ông Vinh, VPBank cũng đã thành công khi khai sinh ra FE Credit, công ty tài chính tiêu dùng dẫn đầu thị trường trong nước. Từ nhiều năm qua, FE Credit được ví là "con gà đẻ trứng vàng" của VPBank. Những năm gần đây, công ty này mang về 45 - 50% tổng lợi nhuận hợp nhất cho ngân hàng…

Cuối tháng 4/2021, VPBank bán 49% vốn điều lệ tại FE Credit cho tập đoàn của Nhật Bản Sumitomo Mitsui. Thời điểm bán vốn, FE Credit được định giá đến 2,8 tỉ USD. VPBank có thể thu về gần 1,4 tỉ USD từ thương vụ này.

Nguyễn Đức Vinh -  Vị sếp từng được đồn nhận lương cao nhất ngành ngân hàng, người đưa Techcombank và VPBank từ tấm chiếu mới thành những tên tuổi đình đám - Ảnh 2.
Không chỉ tập trung đẩy mạnh chiến lược kinh doanh, ông Vinh còn giúp VPBank ghi dấu ấn marketing thông qua con đường nghệ thuật. Dưới thời CEO này, VPBank ghi dấu ấn bởi chuỗi chương trình nghệ thuật đỉnh cao với các huyền thoại âm nhạc trên thế giới như Richard Clayderman (2014), Kenny G (2015), Paris Ballet (2016) và Modern Talking Ft Thomas Anders & Band (2016) hay các sự kiện với concept độc đáo của các nghệ sỹ hàng đầu Việt Nam như: Đêm của ước mơ - Hà Anh Tuấn, Thu Phương, Lam Anh (2014); Gọi nắng - Tùng Dương & Trọng Tấn (2014); Phiêu bạt trở về - Hà Trần, Trần Tiến, Uyên Linh (2015); Diva’s night Ngày xanh - Hà Trần, Thanh Lam, Mỹ Linh, Hồng Nhung (2015), Nơi tình yêu bắt đầu Tuấn Hưng - Lệ Quyên (2016); Moulin Rouge - Đêm nhạc Pháp (2017),…

Theo Pháp luật và bạn đọc