Ban biên tập: truyenthong.cssb@gmail.com
NỔI BẬT

Phục hồi ngoạn mục

Gần 20% số doanh nghiệp ngành gỗ khẳng định sẽ tăng doanh thu trong năm 2021; trên 50% số doanh nghiệp đảm bảo doanh thu sẽ không tụt giảm so với năm 2020?...

Con số trên khiến nhiều chuyên gia kinh tế ngỡ ngàng trước tốc độ phục hồi của ngành gỗ diễn ra nhanh hơn dự báo. Bởi, đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 đã tác động tiêu cực đến toàn bộ ngành gỗ Việt Nam, cả về chuỗi cung xuất khẩu và chuỗi cung nhập khẩu. Trung tâm của dịch nằm ở các tỉnh, thành Đông Nam Bộ, bao gồm: thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai?... Đây cũng chính là trung tâm chế biến gỗ của cả nước.

Thế nhưng, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) cho biết, ngay sau khi nhiều địa phương mở lại các hoạt động sản xuất kinh doanh, tốc độ phục hồi của các doanh nghiệp ngành gỗ đã nhanh hơn dự đoán trong 2-3 tháng trước đây.

Trong 9 tháng, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 10,76 tỷ USD, tăng 30,5% so với cùng kỳ năm 2020. Nếu tính thêm nửa đầu tháng 10-2021, lũy kế kim ngạch xuất khẩu gỗ là 11,5 tỉ USD và 0,7 tỉ USD lâm sản ngoài gỗ đã tạo thêm động lực tăng trưởng cho mặt hàng này.

Đáng chú ý, xuất siêu của ngành này từ đầu năm đến nay đạt gần 10 tỷ USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Bất chấp bối cảnh khó khăn của đại dịch Covid-19, xuất khẩu nhóm hàng này vẫn tăng trưởng cao tại các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc. Riêng giá trị xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt 6,5 tỷ USD, tăng 40,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Điều này cho thấy, nếu dịch bệnh Covid-19 tiếp tục được kiểm soát tốt, thì khả năng ngành gỗ hoàn toàn đạt được mục tiêu 14-14,5 tỷ USD xuất khẩu gỗ trong năm 2021.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lưu ý, mặc dù kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng so với năm 2020, nhưng mức tăng trưởng này chủ yếu là do kim ngạch từ nửa đầu của năm 2021 mang lại. Thực tế, trong tháng 9, kim ngạch xuất khẩu của ngành chỉ đạt 691,49 triệu USD, giảm 14,1% so với tháng 8-2021 và giảm 38,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ đang đứng trước một số khó khăn lớn, đặc biệt về khía cạnh cạnh tranh, như: Sản phẩm ở Việt Nam sản xuất ra đang có giá thành cao hơn so với sản xuất tại cơ sở tại chính quốc tiêu thụ, hay sản xuất tại các nước láng giềng ở châu Âu hay các công ty Trung Quốc. Điều này đòi hỏi chúng ta cần có những chiến lược mới về thị trường, chủng loại sản phẩm, công nghệ và lao động.

Các doanh nghiệp cần thực hiện nhiều giải pháp để phục hồi sản xuất, chủ động để thích ứng và đón các cơ hội lớn, nhất là các phương án để thích nghi với điều kiện mới, từ việc tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu ổn định; có chính sách giữ chân người lao động, thu hút lao động có tay nghề cao, đến việc đầu tư nâng cấp công nghệ, ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại để giảm thiểu chi phí cố định, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Trước mắt, các địa phương cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp ngành gỗ chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, tạo môi trường lao động an toàn và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp đảm bảo phòng chống dịch. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với nguồn lao động, thống nhất quy trình lưu thông hàng hóa, không để đứt gãy chuỗi cung ứng và xuất khẩu.

Để xây dựng và phát triển ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản bền vững, có uy tín và thương hiệu tại thị trường trong nước và quốc tế, thiết nghĩ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có giải pháp ổn định nguồn nguyên liệu đầu vào, có cơ chế chính sách phù hợp để phát triển rừng trồng gỗ lớn, duy trì tỉ lệ che phủ rừng toàn quốc ở mức 42%.

Về thị trường, duy trì và mở rộng các thị trường tiêu thụ, đặc biệt là các thị trường trọng điểm; phát triển các mối quan hệ đối tác lâu dài cả xuất khẩu và nhập khẩu, hướng đến mục tiêu xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 20 tỷ USD vào năm 2025.

Thanh Thảo