Ban biên tập: truyenthong.cssb@gmail.com
NỔI BẬT

Giải bài toán thiếu hụt lao động sau giãn cách xã hội

Từ đầu tháng 10-2021, nhiều tỉnh, thành phố (TP) phía Nam như: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… đã bắt đầu mở cửa nền kinh tế khi áp dụng các biện pháp nới lỏng giãn cách xã hội. Tuy nhiên, thời điểm này, có hàng ngàn lao động tại đây ồ ạt đổ về quê khiến các doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng.

Người lao động ồ ạt rời TP Hồ Chí Minh về quê sau khi nới lỏng giãn cách xã hội đã khiến các doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng. Ảnh: Nguyễn Hoàng

“Đỏ mắt” tìm lao động

Ghi nhận sau hơn 10 ngày thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội, doanh nghiệp tại các tỉnh, TP phía Nam rất phấn khởi bắt tay vào tái sản xuất. Tuy nhiên, dù có nhiều kỳ vọng khi được mở cửa hoạt động trở lại, nhưng các doanh nghiệp lại phải chạy đôn, chạy đáo đi tìm lao động bổ sung.

Cụ thể, đã 4 tuần qua, Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) may mặc Thắng Lợi, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh liên tục đăng tin tuyển dụng nhân viên, người lao động sau khi TP Hồ Chí Minh nới lỏng giãn cách xã hội từ ngày 1-10. Tuy nhiên, dù công ty đã rao tuyển khắp nơi, nhưng đến nay vẫn chưa thể tuyển đủ số lao động theo nhu cầu.

Anh Đỗ Chiến Thắng, Giám đốc Công ty TNHH may mặc Thắng Lợi cho biết, đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, công ty đã phải đóng cửa từ đầu tháng 5-2021 và cho tất cả công nhân tạm nghỉ việc. Mặc dù công ty vẫn trả phụ cấp bằng 40-50%/tháng lương cơ bản để giữ chân người lao động, song thời gian giãn cách quá dài, chi phí sinh hoạt hằng tháng tại TP quá cao so với mức lương phụ cấp nên người lao động đã bỏ về quê sinh sống gần hết.

“Khi thấy TP mở cửa trở lại nền kinh tế, tôi đã thông báo cho các công nhân cũ là công ty mời họ quay trở lại làm việc với mức lương tăng thêm 5-10%. Tuy nhiên, nhiều công nhân đã về quê không có dự định trở lại TP Hồ Chí Minh làm việc. Vì vậy, dù rao tuyển khắp nơi, nhưng công ty vẫn chưa tuyển đủ lao động để mở cửa trở lại, trong khi các đơn hàng may mặc cho mùa sản xuất cuối năm đang tăng” - anh Đỗ Chiến Thắng tâm sự.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết, sau khi nới lỏng giãn cách xã hội, TP có 5.279 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại với nhu cầu lao động cần khoảng 43.600-56.800 người. Tuy nhiên, số lao động về quê ồ ạt trước thời điểm TP Hồ Chí Minh nới lỏng giãn cách xã hội đã khiến các doanh nghiệp dù hoạt động trở lại, nhưng lại phải đối mặt với bài toán thiếu hụt lao động cho việc hồi phục sản xuất và việc hoàn thành các đơn hàng cuối năm.

Bình Dương cũng là một trong những địa phương có hàng ngàn lao động ngoại tỉnh về quê “tránh dịch” sau khi hết giãn cách xã hội khiến các doanh nghiệp lao đao vì thiếu hụt lao động. Theo ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, tỉnh hiện có khoảng 1,2 triệu lao động tham gia sản xuất tại 50.000 doanh nghiệp. Hiện nay, tỉnh đang thiếu hụt 40.000-50.000 lao động. “Sau khi mở cửa trở lại nền kinh tế, mặc dù chính quyền địa phương đã huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ, vận động người dân ở lại để phòng, chống dịch, sẵn sàng cho một cuộc sống bình thường mới, nhưng đa số người lao động vẫn muốn về quê để an toàn phòng, chống dịch cũng như giảm bớt nỗi lo về chi phí sinh hoạt hằng ngày” - ông Tuyên nói.

Tạo mọi điều kiện cho công nhân trở lại làm việc

Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh cho biết, TP Hồ Chí Minh có 18 khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao với 1.500 nhà máy, xí nghiệp. Để đáp ứng hoạt động sản xuất, các nhà máy này đã có 320.000 lao động làm việc. Khi dịch bệnh bùng phát, có 700 nhà máy với 70.000 lao động đang thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”. Nhiều doanh nghiệp đang muốn mở rộng sản xuất, tuyển dụng thêm lao động. Tuy nhiên, số lao động hiện nay chỉ còn trên 50% nên nhiều doanh nghiệp chưa mở cửa hoạt động trở lại.

“Để thu hút lao động làm việc trở lại tại các doanh nghiệp thì cần đảm bảo nhà xưởng an toàn phòng, chống dịch Covid-19; công nhân phải được tiêm vaccine phòng Covid-19. Tuy nhiên, hiện nay, mới chỉ có khoảng 43.000 công nhân được TP Hồ Chí Minh tiêm mũi 1 vaccine đủ 12 tuần. Nếu không được tiêm tiếp mũi 2 sẽ hết hạn và không đủ tiêu chuẩn cho công nhân đi làm trở lại. Mặt khác, để đảm bảo đủ tiêu chí mở cửa trong điều kiện có dịch bệnh, mỗi khu công nghiệp, khu chế xuất đều phải có bệnh viện dã chiến, hoặc khu thu dung tại chỗ. Song song với đó, doanh nghiệp cần ứng dụng công nghệ và thực hiện doanh nghiệp số trong sản xuất kinh doanh, vận chuyển, xuất nhập khẩu, tiếp thị... nhằm đảm bảo sản xuất kinh doanh trong điều kiện thiếu hụt lao động...” - ông Nguyễn Văn Bé nói.

Người lao động cần được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19 khi đi làm trở lại tại các tỉnh phía Nam. Ảnh: Nguyễn Hoàng

Tương tự, để giải bài toán thiếu hụt lao động khi mở cửa nền kinh tế, ông Nguyễn Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP Hồ Chí Minh cho biết, nguồn nhân lực được xem là tài sản lớn nhất của tất cả doanh nghiệp, đóng vai trò quyết định đến sự thành bại của doanh nghiệp. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh phụ thuộc vào nguồn nhân lực từ các địa phương khác đến, do vậy, nếu để lực lượng này hồi hương sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp dệt may, thêu đan đang có nhiều đơn hàng cần hoàn thành vào dịp cuối năm.

Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, khi xảy ra dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp đã đưa ra chính sách hỗ trợ đời sống công nhân rất tốt nhằm giữ chân người lao động. Theo đó, doanh nghiệp không chỉ chăm lo cho công nhân ở những thời điểm thiên tai, dịch bệnh mà cần phải thực hiện xuyên suốt để có thể kết nối được giữa lãnh đạo và công nhân, là động lực để công nhân gắn bó với doanh nghiệp. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh kéo dài khiến doanh nghiệp phải đóng cửa sản xuất và khiến người lao động thất nghiệp phải hồi hương.

Mới đây, ông Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, TP luôn tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ hết mức để người dân quay về TP Hồ Chí Minh làm việc. Tuy nhiên, người dân muốn quay trở lại cần phải đảm bảo an toàn phòng, chống d?ch Covid-19 như: Tiêm ít nhất 1 mũi vaccine phòng Covid-19, có xét nghiệm cho âm tính. Ngoài ra, khi đưa người lao động trở lại TP cũng cần sự phối hợp chặt chẽ giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố để đảm bảo an toàn khi lưu thông và an toàn về dịch bệnh cho người dân.

Nguyễn Hoàng